Man Utd có thực sự cần Pep?
1.Nguồn tin mới nhất từ tờ L’Equipe (Pháp) vừa tiết lộ Ban lãnh đạo M.U đã tổ chức một cuộc gặp bí mật với HLV Pep Guardiola tại thủ đô Paris vào hồi cuối tuần trước. Theo đó, nội dung cơ bản mà cuộc trao đổi “song phương” này hướng đến, không gì khác, vẫn chủ yếu xoay quanh tương lai của nhà cầm quân người Tây Ban Nha. Cần phải nhấn mạnh rằng, Pep đã chính thức xác nhận chia tay Bayern Munich vào cuối mùa giải năm nay đồng thời tuyên bố chuyển đến làm việc tại Premier League trong tương lai gần.
Về phần M.U, bên cạnh “cuộc đi đêm” cùng cựu chiến lược gia Barcelona, phía Quỷ đỏ còn thể hiện thái độ có phần thờ ơ trên TTCN mùa Đông 2015, như một biện pháp nhằm “giải quyết chế độ” cho HLV Van Gaal, người nhiều khả năng sẽ nói lời chia tay sân Old Trafford vào tháng Sáu tới đây. Mặc dù vậy, trong trường hợp phải đánh giá mọi chuyện ở một góc độ khách quan nhất, cũng chưa ai dám dự đoán bất kỳ điều gì về cái gọi là “sự thành công của Pep”, nếu như nhà cầm quân 45 tuổi này đồng ý với lời đề nghị dẫn dắt nửa đỏ thành Manchester.
2.Thực tế cho thấy, Premier League không phải một mảnh đất màu mỡ dành cho các HLV. Kể từ đầu mùa đến giờ, đã có tổng cộng 6 vị chiến lược gia rơi vào cảnh mất việc ở giải Ngoại hạng Anh, bao gồm Nigel Pearson (Leicester), Brendan Rodgers (Liverpool), Dick Advocaat (Sunderland), Tim Sherwood (Aston Villa), Garry Monk (Swansea) hay thậm chí cả “Người đặc biệt” Jose Mourinho (Chelsea).
Về mặt lý thuyết, không ai dám phủ nhận tài năng huấn luyện của Pep. Thế nhưng, môi trường đặc thù của bóng đá Anh hoàn toàn có thể trở thành yếu tố nhanh chóng “bóp nghẹt” những gì thuộc về triết lý của nhà cầm quân người Tây Ban Nha. Theo đó, trước khi nghĩ đến ý tưởng biến M.U hay bất kỳ đội bóng nào khác như Man City hoặc Chelsea trở thành một phiên bản “tiki-taka kiểu mới” của riêng mình, Pep cũng nên nhìn sang tấm gương của người đồng nghiệp Juergen Klopp, một kẻ vẫn đang ngày ngày vật lộn đi tìm lối thoát cho phong cách gegen-pressing (phản công tổng lực).
3.Mặt khác, cũng cần phải nói thêm rằng những dấu ấn mà Pep tạo ra trong suốt hơn hai năm rưỡi dẫn dắt Bayern Munich vẫn là chưa thực sự thuyết phục, ít nhất là so với bảng thành tích lẫy lừng của chính ông khi còn làm việc tại Barca. Từ vị thế của một nhà vô địch châu Âu, Hùm xám dưới thời Pep đã hai lần liên tiếp phải dừng bước ở vòng bán kết Champions League. Điều này đồng nghĩa rằng, ngay cả khi đã chấp nhận mang đến sân Allianz Arena một thứ “sắc thái bóng đá” hoàn toàn mới thì Pep vẫn chưa thể giúp cho Bayern trở nên tiến bộ hơn, nếu như không muốn nói là thụt lùivề mặt thành tích…
Nên nhớ, M.U là một đội bóng Anh mang nhiều đặc điểm truyền thống, kể cả dưới thời Sir Alex Ferguson đi chăng nữa. Bằng chứng tiêu biểu nhất chính là khi David Moyes và Van Gaal lần lượt áp dụng những hệ thống chiến thuật riêng biệt, một người suy nghĩ quá giản đơn, một người luôn nặng về khả năng kiểm soát, Quỷ đỏ đã nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Tất nhiên, sự lu mờ của những gì thuộc về giá trị bản sắc chắc chắn sẽ là một bài học vô cùng quý báu dành cho ban lãnh đạo đội bóng thành Manchester trước khi quyết định đưa ra lời mời gọi đối với Pep.