Nhiệm vụ thay thế những “nhà quản lý toàn năng”: Chuyện của M.U (Phần 1)

thứ bảy 27-2-2016 15:04:05 +07:00 0 bình luận
Một đội bóng có thể sẽ mất tới cả thập kỷ để phục hưng sau sự ra đi của một vị chiến lược gia thành công tới mức phi thường.

Trong tuần vừa qua, M.U đã lần lượt giành được hai chiến thắng trước Shrewsbury (3-0) tại FA Cup và Midtjylland (5-1) tại Europa League. Mặc dù vậy, ngay cả khi Quỷ đỏ đang bắt đầu cho thấy những dấu hiệu khởi sắc về mặt phong độ thì cũng chẳng ai dám tin tưởng rằng HLV Louis van Gaal sẽ tiếp tục được dẫn dắt đội bóng chủ sân Old Trafford sau khi mùa giải năm nay kết thúc.

M.U chưa thể tìm thấy bản sắc dưới triều đại Van Gaal

Thực tế cho thấy, niềm tin đối với nhà cầm quân người Hà Lan đã trở nên cạn kiệt hơn bao giờ hết. Thậm chí, trong trường hợp M.U có thể đoạt chức vô địch FA Cup hoặc Europa League đồng thời lọt vào top 4 giải Ngoại hạng Anh, qua đó giành lấy một suất dự Champiions League mùa sau đi chăng nữa thì sự kiên nhẫn dành cho Van Gaal cũng không còn đủ giới hạn để cứu vãn số phận của “Tu-lip thép”.

Trải qua gần 3 mùa giải kể từ thời điểm Sir Alex Ferguson quyết định rời “Nhà hát của những giấc mơ”, những người Manchester dường như ngày càng thấu hiểu một sự thật hết sức phũ phàng rằng, để thay thế một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lâu dài không bao giờ là nhiệm vụ đơn giản. Trước đây, M.U từng được hưởng không ít lợi thế về mặt tài chính so với nhiều đối thủ khác, qua đó giúp Quỷ đỏ trở thành đội bóng có số lần đoạt chức vô địch nhiều nhất trong lịch sử nước Anh. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 3 người từng giúp cho CLB thành Manchester giành được các danh hiệu VĐQG, bao gồm Ernest Mangnall (1903-1912), Sir Matt Busby (1945-1969) và Ferguson (1986-2013).

Cần phải nhấn mạnh rằng, đây không phải vấn đề của phần lớn những nền bóng đá khác ở châu Âu, ngoại trừ những người Anh. Bất kỳ đội bóng nào tại xứ sở sương mù cũng đều mong muốn gây dựng một triều đại mang tính lâu bền, giống như Liverpool của Bill Shankly hay M.U của Matt Busby chẳng hạn. Thậm chí, ngay cả Jose Mourinho - một chuyên gia “ăn xổi”, trong lần thứ hai quay trở lại Chelsea cũng lấp lửng về một kế hoạch kéo dài… 10 năm. Mặc dù vậy, chuỗi thành tích vô cùng bạc nhược ở giai đoạn đầu mùa giải năm nay đã khiến cho “Người đặc biệt” bị ban lãnh đạo CLB thành London sa thải khi còn chưa kịp hiện thực hóa những tham vọng của mình.

Quỷ đỏ bước vào giai đoạn khủng hoảng kể từ thời điểm Sir Alex Ferguson ra đi

M.U thời kỳ hậu Busby

Sau khi giành được Cúp C1 châu Âu vào năm 1968, Sir Matt Busby đã quyết định chỉ gắn bó với Quỷ đỏ thêm 1 mùa giải nữa trước khi chính thức giã từ sự nghiệp cầm quân. Ở độ tuổi 59, tất nhiên mọi thứ vẫn còn là quá sớm để Busby chấp nhận từ bỏ niềm đam mê của mình. Thế nhưng, trải qua 24 năm gắn bó cùng đội bóng thành Manchester, cộng thêm những chấn động “tâm lý” từ sau thảm họa Munich (1958), có lẽ vị chiến lược gia người Scotland đã phần nào cảm thấy mệt mỏi. Mùa giải tiếp theo, Wilf McGuinness chính là cái tên được lựa chọn để thay thế cho Busby. Kết quả chung cuộc, M.U xếp thứ 8 ở đấu trường quốc nội đồng thời phải dừng bước ngay từ vòng bán kết FA Cup.

Bước sang mùa bóng 1970/1971, lối chơi bên phía Quỷ đỏ thậm chí còn tệ hại hơn nữa. Đặt trong bối cảnh ngôi sao chủ lực George Best dường như không còn tha thiết với bóng đá, M.U nhanh chóng bị loại khỏi League Cup bởi đội bóng đến từ giải hạng ba Aston Villa. Lần lượt những thất bại sau đó trước Manchester City và Arsenal, cộng thêm sự mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng trong phòng thay đồ đã dẫn đến kết cục là việc HLV McGuinness phải rời sân Old Trafford vào ngày 28/12/1970.

Một lần nữa, Sir Matt Busby buộc phải quay trở lại sân Old Trafford, hồi sinh George Best và đưa M.U cán đích ở vị trí thứ 8 vào cuối mùa. Nhận xét về sự kiện này, cựu tiền vệ David Sadler từng tiết lộ rằng: “Thật đáng buồn là không phải tất cả mọi người đều muốn chiến đấu vì Wilf McGuinness. Khi ông ấy lên nắm quyền, nhiều cầu thủ đã cố tình không thi đấu đúng với 100% phong độ. Mọi chuyện chỉ thực sự được thay đổi sau khi Matt Busby trở lại”. Trên thực tế, Wilf McGuinness cũng là một vị chiến lược gia hết sức “gần gũi” với các cầu thủ. Mặc dù vậy, sau tất cả những gì mà Busby đã gây dựng, thì nhiệm vụ duy trì một thói quen mới cho M.U dường như là điều gì đó quá bất khả thi.

Mùa Hè năm 1971, ban lãnh đạo Quỷ đỏ quyết định bổ nhiệm HLV Frank O’Farrell lên đảm nhiệm vị trí “ghế nóng” tại sân Old Trafford. Trải qua 20 trận đầu tiên, thành tích của nhà cầm quân người CH Ireland là tương đối tốt với 14 chiến thắng, 4 trận hòa và chỉ để thua vỏn vẹn 2 trận. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi một cách chóng mặt khi M.U thất bại thảm hại 0-3 trước West Ham ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 1972 và sau đó kéo dài chuỗi trận thua liên tiếp lên con số 7. Cuối mùa, đội bóng thành Manchester xếp thứ 8 chung cuộc.

Sir Matt Busby từng gây dựng một triều đại ở Manchester United

Frank O’Farrell vẫn nhận được sự tin tưởng của Busby trong mùa giải năm sau. Thế nhưng, cũng chính vì thế mà M.U ngày càng trở nên cùng cực hơn bao giờ hết. Tháng Mười năm 1972, Quỷ đỏ thua bạc nhược 1-4 trước Tottenham Hotspur và “giọt nước tràn ly” đã chính thức đến với triều đại của O’Farrell sau thất bại 0-5 trước đội bét bảng Crystal Palace. Thay thế cho nhà cầm quân người Ireland, lại là một chiến lược gia khác cũng có nguồn gốc từ vương quốc Anh, Tommy Docherty, một người Scotland.

Mùa giải 1972/1973, M.U may mắn thoát khỏi “án tử” khi trụ hạng thành công nhưng chỉ đúng một năm sau đó (1974), Quỷ đỏ đã không thể tránh được thảm họa… xuống hạng. Mặc dù đã đưa đội bóng thành Manchester nhanh chóng trở lại giải đấu cao nhất nước Anh đồng thời đoạt danh hiệu FA Cup vào năm 1977 (thắng Liverpool) nhưng đến cuối cùng, “the Doc” (Docherty) vẫn bị sa thải sau trận chung kết không lâu vì… mối quan hệ mờ ám với vợ của một bác sĩ trị liệu bên phía M.U.

Sự thật là bản thân Sir Matt Busby luôn phủ nhận những tác động trực tiếp mà mình đã gây ra cho Quỷ đỏ sau thời điểm ông quyết định giải nghệ. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng đều hiểu rằng chính sự hiện diện của vị chiến lược gia huyền thoại người Scotland đã trở thành nguyên nhân khiến cho các lớp HLV kế cận tại M.U gặp vô vàn khó khăn trong nhiệm vụ định hình lại một hệ thống mới. Trong cuốn hồi ký của mình vào năm 1973, đích thân Busby từng chia sẻ: “Làm thế nào mà tôi có thể rời khỏi nơi này? Một CLB từng được xây dựng từ đống tro tàn của chiến tranh và phải hứng chịu thảm kịch Munich, một CLB mà tôi luôn yêu tha thiết, một CLB mà vì nó tôi đã suýt chút nữa tự giết chết chính bản thân mình.”

Có lẽ Busby đã không thể nào chiến thắng nổi những cảm xúc hết sức chân thành của mình. Để rồi, đây cũng chính là lý do tiên quyết nhất khiến cho M.U phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng kể từ thời điểm mà nhà cầm quân người Scotland ra đi, một hệ quả chẳng ai mong muốn nhưng lại hoàn toàn tất yếu… 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội