Nhờ “tin vịt”, Man Utd cướp được Van Persie
Sự tình cờ của Murdoch
Nhân nói về tin đồn, báo chí Anh lâu nay vẫn thường nói đến một câu chuyện của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch vào năm 1969. Sau khi giành được một tờ báo đang làm ăn thua lỗ là The Sun và biến nó thành tờ lá cải, tỷ phú người Australia nhận được một tin xấu: số lượng máy in khiêm tốn đồng nghĩa báo phải xong sớm để đưa đến các đại lý trên toàn Vương quốc Anh trước lúc tiếng còi kết thúc những trận đấu vang lên.
Bởi không có những trận đấu lôi kéo người hâm mộ dẫn tới nguy cơ thảm họa về tít giật gân nếu trong ngày không có một sự kiện nào nổi bật. Mặc dù vậy, không chỉ Murdoch và tổng biên tập đầu tiên của ông ta là Larry Lamb đã vượt qua điều này để đưa The Sun trở thành tờ báo nổi tiếng nhất Anh, họ còn tình cờ tạo ra một điều lớn lao cho những người làm báo chí.
Giải pháp của họ là thay thế những trang tường thuật trận đấu sau đó bằng những câu chuyện về thị trường chuyển nhượng cho số báo in trước. Cuối cùng, Murdoch vẫn có được những số báo in sau cho thị trường phía bắc và lần đầu tiên, người hâm mộ có thể theo dõi được các tin tức nóng hổi vừa diễn ra.
Một bất ngờ xảy ra sau đấy là mọi người lại phàn nàn rằng họ thích các câu chuyện về thị trường chuyển nhượng. Vậy là mục tin đồn trở lại và được giữ mãi kể từ đó cho đến nay.
Theo thời gian, thị trường chuyển nhượng đã mang đến một kho tin tức cho truyền thông thông qua những kênh chính thống hoặc không chính thống, từ phía các CLB, người môi giới và bản thân cầu thủ hoặc từ sự sáng tạo của các báo… Thậm chí, những thông tin này được xem là sự sống còn của một tờ báo, một trang web vì nói như đại diện của một tờ báo lá cải, mức độ đòi hỏi của người đọc là vô hạn. Khi anh nhìn vào lượng độc giả online, những câu chuyện chuyển nhượng luôn được đặt cao nhất, đặc biệt một câu chuyện có liên quan đến một CLB hàng đầu hay một cầu thủ hàng đầu.
Và cách tạo ra những tin đồn giờ đã trở thành một công nghệ. Bắt đầu đơn giản từ việc cầu thủ muốn đi liên hệ với đại diện của anh ta hoặc người môi giới; từ ý định kiếm thêm tiền hoa hồng của người môi giới và đại diện hay mức lương mới của cầu thủ, để rồi tất cả cùng bắt tay tạo ra một tin đồn nhằm gây sức ép với CLB đó; từ tham vọng muốn sở hữu cầu thủ của một CLB và buộc họ tạo ra những tin đồn giả cho đến việc chế thông tin như đã nói ở trên của chính các báo, các trang web nhằm thu hút độc giả.
Ở đây, một trong những cách làm của các báo là dựa theo thông tin họ nắm được về thời hạn hợp đồng của cầu thủ, những vị trí một CLB cần bổ sung cho mùa giải mới hay thất bại của một CLB trong nỗ lực giành vé dự Champions League như Tottenham và dẫn đến tương lai của những cầu thủ như Luka Modric hay Gareth Bale…
Cũng vì thế, thị trường chuyển nhượng luôn ở trong tình trạng hỗn độn, đến mức khó ai có thể biết được đâu là tin thật, đâu là tin giả. Việc hoàn tất hợp đồng với cầu thủ nào đó do vậy luôn được xem là thắng lợi của mỗi CLB, còn chuyện thất bại trong hay sau mùa giải sẽ bàn sau.
Đến vụ chuyển nhượng Van Persie
Một điều không thể phủ nhận là vai trò quan trọng của truyền thông trong mỗi tin đồn, mỗi vụ chuyển nhượng. Về điều này, một CLB lớn như Man Utd thừa biết rõ họ sẽ không có được Robin van Persie vào năm 2012 nếu thiếu thông tin của tờ The Mirror. Và thật may là The Mirror đã đưa chính xác sự việc, thay vì chỉ là tin đồn.
Mọi chuyện được bắt đầu khi một phóng viên của báo đưa tin Van Persie muốn rời Arsenal vì không giành được danh hiệu nào kể từ khi anh đến Emirates. 10 ngày sau, một phóng viên hàng đầu của The Mirror khẳng định, tiền đạo người Hà Lan muốn tìm kiếm các danh hiệu ở một CLB khác thay vì ở lại Emirates với mức lương 130.000 bảng/tuần.
Nên nói thêm là khi đó, chuyện Van Persie rời Arsenal khó tin như việc Lionel Messi chia tay Barcelona hay Cristiano Ronaldo từ bỏ Real Madrid. The Mirror đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích của CĐV Arsenal trên Twitter và Facebook vì những thông tin được xem là bịa đặt, thiếu căn cứ, trước lúc chính tiền đạo người Hà Lan thừa nhận anh sẽ không gia hạn và bất đồng với Arsene Wenger về tương lai của CLB.
Những gì sau đó thuộc về lịch sử. Man Utd đã có danh hiệu Premier League cuối cùng cùng với Alex Ferguson. Olivier Giroud đến Emirates, Van Persie thất bại sau đó và giờ khoác áo Fenerbahce… Những vòng quay mới cứ thế diễn ra.
Mạnh Hào
Tin đồn nào chính xác hơn?
Kể từ hè năm 2006, Football Transfer League đã thống kê được mức độ tin cậy của từng tờ báo đưa tin chuyển nhượng. Dẫn đầu là The Guardian, sau là Daily Record, Daily Telegraph, trong khi đứng cuối danh sách là Metro.