Premier League và bi kịch của sự thịnh vượng
Theo một bản thống kê mới nhất được công bố từ hãng kiểm toán uy tín Deloitte, Ngoại hạng Anh đang hoàn toàn áp đảo châu Âu về khoản “kiếm tiền” khi sở hữu tới 9 đại diện nằm trong top 20 CLB có doanh thu cao nhất thế giới.
Mặc dù vậy, đằng sau vẻ hào nhoáng đến mức “thịnh vượng” ở Premier League, vẫn đang tồn tại một sự thật hết sức trái ngược về phong độ của các đại diện xứ sở Ăng-lê mỗi khi phải bước ra đấu trường châu lục. Thống kê cho thấy, kể từ thời điểm Chelsea đăng quang chức vô địch Champions League vào mùa giải 2011/12 bằng một kịch bản vô cùng “thần thánh”, người Anh vẫn chưa lần nào trở lại bán kết giải đấu danh giá nhất châu Âu.
Sẽ là trớ trêu hơn nữa nếu như người ta biết rằng trong cả hai mùa bóng 2012/13 và 2014/15, Premier League thậm chí còn không có nổi một tên tuổi góp mặt ở vòng tứ kết. Hệ quả, những màn trình diễn rất nghèo nàn của các đội bóng đến từ xứ sở Sương mù đang ngày càng khiến cho khoảng cách về mặt điểm số giữa giải Ngoại hạng và Serie A dần dần bị thu hẹp một cách đáng kể. Cho đến lúc này, nguy cơ Calcio sớm vượt mặt Premier League đồng thời giành lấy suất tham dự Champions League thứ tư cũng không còn là câu chuyện viễn tưởng nữa, nếu như người Anh vẫn cứ tiếp tục thể hiện một bộ mặt bệ rạc tại “trời Âu”.
Tất nhiên, trong trường hợp phải đánh giá mọi chuyện ở một góc độ khách quan hơn, việc các CLB Anh từng bước xây dựng được một nền tảng tài chính vững mạnh rõ ràng cũng là điều hết sức đáng mừng, bởi xét cho cùng, chẳng ai muốn bóng đá trở nên thoái trào chỉ vì lợi ích đến từ những đồng euro, giống như hiện trạng u ám vẫn đang diễn ra tại Serie A bây giờ (Parma vừa mới tuyên bố giải thể cách đây ít lâu). Thế nhưng, khi mà Premier League đang ngày càng trở nên “tụt hậu” về mặt thành tích so với các nền bóng đá hàng đầu lục địa già, như La Liga hay Bundesliga chẳng hạn, có lẽ đã đến lúc những người Ăng-lê cần phải tự đặt ra câu hỏi về mục tiêu thực sự của mình…
Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ, Barack Obama từng nói rằng: “Tập trung cả đời vào việc kiếm tiền chỉ cho thấy sự nghèo nàn về mặt tham vọng”, một nhận định có lẽ là khá chính xác đối với Premier League vào thời điểm hiện tại. Công bằng mà nói thì người Anh rất giỏi kiếm tiền, tuy nhiên đằng sau những nguồn lợi nhuận tài chính khổng lồ ở bên kia eo biển Manche, lại đang tồn tại một tấn bi kịch về thứ gọi là “giấc mơ châu Âu” của nền bóng đá xứ sở Sương mù.