Quan điểm: Khi Rooney trở thành… người thừa
Đánh bại Watford với tỷ số chung cuộc 1-0 cách đây hơn một ngày, thầy trò HLV Louis van Gaal đang duy trì thành tích 4 trận toàn thắng trên mọi đấu trường. Tất nhiên, sự thăng hoa của M.U cũng bắt nguồn từ khá nhiều yếu tố, từ những thay đổi về mặt chiến thuật, cách thức tiếp cận lối chơi cho đến con người, tinh thần thi đấu… Mặc dù vậy, chẳng ai có thể phủ nhận rằng sau khi thiếu vắng thủ quân Wayne Rooney do chấn thương, đội bóng thành Manchester đã trình diễn một bộ mặt khởi sắc và hiệu quả hơn hẳn.
Về mặt lý thuyết, sẽ là hết sức thiếu công bằng nếu như giới chuyên môn vội vàng quy kết mọi vấn đề lên đầu chân sút người Anh. Cần phải nhấn mạnh rằng, phong độ của “Gã Shrek” kể từ đầu năm 2016 cho đến trước thời điểm dính chấn thương đầu gối trong trận thua Sunderland là vô cùng thuyết phục, với 7 bàn thắng cùng 3 đường chuyền kiến tạo chỉ sau 8 lần ra sân. Thế nhưng, đánh giá trên mọi khía cạnh, rõ ràng những màn trình diễn chói sáng của một mình Rooney là không đủ để che đậy đi một thực tế phũ phàng rằng, M.U vẫn chưa hề xuất hiện nhiều biến chuyển về mặt lối chơi.
Ngay cả khi Quỷ đỏ đã giành được những kết quả tích cực hơn trong giai đoạn đầu năm mới 2016 thì hệ thống chiến thuật của thầy trò HLV Van Gaal về cơ bản vẫn hết sức đơn điệu và nhàm chán. Đội bóng chủ sân Old Trafford như thường lệ vẫn kiểm soát bóng một cách chủ động nhưng lại không thể tìm thấy những ý tưởng tấn công trực diện trong các đường chuyền cuối cùng. Bản thân Rooney, cho dù được xếp chơi ở vị trí “số 10” hay đá trung phong cắm đi chăng nữa cũng đều bộc lộ sự chậm chạp và nặng nề do những sức ép tuổi tác.
Là một cầu thủ đẳng cấp, đương nhiên R10 vẫn có thừa khả năng để bất ngờ tỏa sáng trong những thời điểm nhất định. Mặc dù vậy, khi mà Rooney đã trở thành một điểm nhấn tiêu biểu cho sự trì trệ bên phía M.U, cũng thật khó để đội bóng thành Manchester sẵn sàng thay đổi toàn bộ hệ thống ngay lập tức. Phải đến thời điểm chân sút 30 tuổi này hoàn toàn rời xa sân cỏ vì chấn thương, lối chơi của Quỷ đỏ mới xuất hiện nhiều biến chuyển tích cực hơn, trên cả hai phương diện chuyên môn lẫn tinh thần.
Lần lượt những nhân tố trẻ như Memphis Depay, Jesse Lingard, Guillermo Varela hay đặc biệt là Marcus Rashford đã được Van Gaal thường xuyên trọng dụng, qua đó mang đến cho M.U một sức sống mới vô cùng linh hoạt. Trên hàng công, sau khi Juan Mata được trả lại vị trí “số 10” quen thuộc, tiền vệ người Tây Ban Nha cũng nhanh chóng thay thế Rooney để trở thành “chất xúc tác” quan trọng đối với lối chơi bên phía đội bóng chủ sân Old Trafford. Dễ dàng nhận thấy, so với “Gã Shrek” thì cựu ngôi sao Chelsea là một hộ công thuần túy, sở hữu sự mềm mại và tinh tế hơn hẳn.
Điều này không chỉ giúp cho M.U trở nên đa dạng hơn trong những tình huống tấn công mà còn kiểm soát bóng theo cách chủ động, thay vì chỉ biết “chuyền qua chuyển lại” luẩn quẩn như ở giai đoạn lượt đi. Xét trên một góc độ khác, tất nhiên Rooney chẳng hề có lỗi bởi trên thực tế, mỗi khi được trao cơ hội vào sân, tuyển thủ người Anh vẫn luôn luôn nỗ lực hết mình vì mục tiêu chung của đội bóng. Thế nhưng, thật trớ trêu là ngay cả khi R10 tỏ ra quyết tâm nhất thì dường như tiền đạo 30 tuổi này cũng không còn được xem là một nhân tố thực sự phù hợp với Quỷ đỏ.