Vì sao chưa ai "ném đá" vào trường đua F1?
Khả năng để Việt Nam đăng cai một chặng đua F1 sắp trở thành hiện thực.
Về chi phí thì có nơi đã tính toán thế này: Đầu tiên là khoản tiền về makerting-tổ chức-nhân sự tốn cỡ 15 triệu USD. Thứ hai là xây khán đài cho khoảng 8 vạn khán giả xem trực tiếp ngốn thêm cỡ 15 triệu USD nữa. Chưa tính đến các công trình phụ trợ ngốn 16 triệu USD rồi xe cộ, văn phòng…
Tổng cộng có dưới 60 triệu USD thì đừng nói đến F1. Đó là phương án tiết kiệm nhất, tức là tận dụng đường phố để đua xe, còn nếu xây nguyên một trường đua thì con số là 300 triệu USD, tính rẻ là 6.000 tỉ đồng.
Tiền bỏ ra thì dễ tính rồi, thế còn được gì để sánh với các giá đó? Lại một tính toán khác. Nếu có F1 thì cũng khó hy vọng lấy tiền vé và tài trợ để bù đắp. Thay vào đó là những lợi ích vô hình như đưa hình ảnh Việt Nam ra ngoài thế giới, vun đắp tình yêu thể thao của người dân...
Chắc chắn sẽ còn có những chất vấn khác, ví dụ như cùng với việc các nhà tổ chức F1 muốn đưa một chặng về Việt Nam cũng là khi Malaysia tuyên bố chia tay trường đua F1. Lý do của người Mã là F1 quá tốn kém và hiệu quả thì lại không đáng là bao.
Năm 2015 tôi đến Malaysia xem một chặng đua GP - tức là đua mô tô phân khối lớn và được nghe câu chuyện: trong số 27 triệu khách du lịch đến Malaysia hàng năm thì số lượng khách nước ngoài đến xem F1 và GP chiếm tỉ lệ quá nhỏ.
Nên nhớ GDP đầu người Malaysia khoảng 10.000 USD/năm, gấp 3-4 lần GDP bình quân Việt Nam. Vậy mà qua nhiều lần tổ chức F1 họ phải chạy… mất dép.
Cái họ tính bỏ thì tao ôm vào? Tại sao? Có lẽ là vì nó hấp dẫn. Và vì có thì vẫn hơn là không có. Ai thích, mời mua vé vào xem. Không thích thì đi chỗ khác. Đơn giản vậy thôi.
Vừa rồi cộng đồng mạng đã trút một cơn mưa gạch đá vào nhà hát 1.500 tỉ sẽ mọc lên ở Thủ Thiêm. Tuy nhiên vụ F1 lại khá im ắng. Vì câu chuyện mỗi nơi mỗi khác, không chỉ là nguồn tiền đầu tư.
Bởi thế cho nên thay vì "ném gạch", đa số dư luận đang hồi hộp hóng xem cái trường đua F1 nó sẽ trông hoành tráng như thế nào.