Các tuyển thủ Malaysia sốc nặng do bị cắt giảm phụ cấp trước SEA Games 31
Ông Nur Azmi Ahmad, trưởng đoàn Malaysia chuẩn bị dự SEA Games 31 tại Hà Nội trung tuần tháng 5 năm nay, tỏ ra lo lắng về quyết định cắt giảm mạnh phụ cấp cho các tuyển thủ của của Hội đồng thể thao quốc gia có thể dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng đến thành tích của đội tuyển quốc gia tại ngày hội của thể thao khu vực vào Hè 2022.
Cho rằng việc cắt giảm lớn như vậy gây áp lực lên các liên đoàn và vận động viên, ông Nur Azmi Ahmad khiếu nại lên Hội đồng thể thao quốc gia và Bộ Thể thao đề nghị đánh giá lại việc điều chỉnh phụ cấp.
Ông Nur Azmi Ahmad cho biết chính phủ cũng có thể xem xét việc khôi phục khái niệm "đối tác thể thao" bằng cách yêu cầu những công ty liên kết với chính quyền hỗ trợ các liên đoàn thể thao quốc gia.
Ông phân tích: "Nếu các công ty liên kết với chính quyền có thể cung cấp 1 triệu ringgit (tương đương 5,5 tỷ đồng) cho mỗi liên đoàn, bấy nhiêu là đủ và không gây ra gánh nặng cho chính phủ. Hiện nay có những liên đoàn giàu sụ nhờ vào chủ tịch nắm quyền to, nhưng không phải liên đoàn nào cũng được như vậy".
Đang còn làm phó chủ tịch Hội đồng Olympic Malaysia, ông Nur Azmi Ahmad tiết lộ một số liên đoàn đã phàn nàn về việc giảm phụ cấp.
Ông giải thích: "Các vận động viên tập trung toàn thời gian không có thu nhập nào khác. Chúng tôi không muốn mất nhiều vận động viên do chuyển nghề hoặc giải nghệ sớm, chỉ vì họ cảm thấy tăng áp lực phải tập trung vào việc học, thay vì sự nghiệp thi đấu".
Để chuẩn bị cho SEA Games 2022 diễn ra từ 12-23/5, Malaysia hiện có 180 tuyển thủ loại A (mọi chi phí được chu cấp), nhưng danh sách tuyển chọn chỉ được chốt sau Tết Nguyên đán.
Theo quyết định cắt giảm phụ cấp, các tuyển thủ đoạt huy chương vàng tại SEA Games và Asean Para Games vẫn hưởng 2.000 ringgit, tương đương 11 triệu đồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, các tuyển thủ có huy chương bạc và đồng chỉ còn nhận 800 ringgit, tương đương 4,3 triệu đồng/tháng, thay vì 11 triệu đồng.
Các tuyển thủ lâu năm vẫn chưa có huy chương tiếp tục nhận 800 ringgit - 4,3 triệu đồng/tháng, còn những người dự tuyển hưởng chế độ 500 ringgit - 2,7 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, phụ cấp huấn luyện cho các tuyển thủ Malaysia đoạt huy chương tại Asian Games/Asian Para và Commonwealth Games vẫn giữ nguyên. Cụ thể, huy chương vàng 4.500 ringgit (24,3 triệu đồng/tháng), bạc 4.000 ringgit (22 triệu đồng/tháng) và đồng 3.500 ringgit (18,9 triệu đồng/tháng).
Đối với các tuyển thủ giành huy chương Olympic/Paralympic Games, các mức phụ cấp vẫn là 7.500 ringgit - 40,5 triệu đồng/tháng cho huy chương vàng, 7.000 ringgit - 37,8 triệu đồng/tháng cho bạc và 6.000 ringgit - 33 triệu đồng/tháng cho đồng.
Giải thích về quyết định cắt giảm phụ cấp, Tổng giám đốc Hội đồng Thể thao Quốc gia Shapawi Ismail cho biết là do ảnh hưởng của COVID-19 cùng thảm họa thiên nhiên gần đây, tổ chức này đang xem xét lại các khoản phụ cấp dành cho những tuyển thủ quốc gia được ký hợp đồng mới dựa trên thành tích của họ kể từ năm 2018.
Ông Shapawi Ismail nhận xét: "Có một số bị giảm phụ cấp chút xíu do phù hợp hơn với thành tích hiện tại hoặc tốt nhất của họ, và điều này công bằng hơn và tương xứng với những huy chương họ giành được".
Ông cũng thông báo tổng số tiền phụ cấp không bao gồm chỗ ở, thức ăn và đồ uống, cơ sở hạ tầng đào tạo và huấn luyện cung cấp cho các vận động viên.
Khi được hỏi liệu các vận động viên có được thông báo về việc xem xét lại tiền phụ cấp hay không, ông nói rằng họ ắt hẳn hiểu được tình hình hiện tại của đất nước là nguyên nhân dẫn đến việc tái cơ cấu chế độ đãi ngộ.
Điều trớ trêu là chính Thứ trưởng Thanh niên và Thể thao Datuk Seri Ti Lian Ker cũng vừa đề nghị Hội đồng Thể thao Quốc gia xem xét lại quy định phụ cấp hàng tháng cho các tuyển thủ trong năm nay trên cơ sở cân nhắc từng trường hợp. Thứ trưởng mô tả việc đồng thời giảm phụ cấp cho tất cả tuyển thủ là không thực tế đối với các vận động viên đang được đào tạo toàn thời gian và không có bất kỳ nguồn thu nhập nào khác.
Dù vậy, Thứ trưởng cũng giải thích rằng không phải tất cả tuyển thủ đều phụ thuộc hoàn toàn vào phụ cấp, vì họ có công việc khác và do đó, phụ cấp chỉ là một động lực bổ sung. Ông nêu ví dụ: "Nếu là giáo viên, họ vẫn được nhận lương bên cạnh việc nhận thêm phụ cấp từ Hội đồng Thể thao Quốc gia. Ngoài ra, họ còn được ăn và ở miễn phí tại Hội đồng Thể thao Quốc gia".
Ông cũng cho biết quyết định cắt giảm phụ cấp được đưa ra dựa trên việc cắt giảm ngân sách và tài trợ cho Hội đồng Thể thao Quốc gia.