Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh chỉ ra yếu tố giúp thể thao Việt Nam có kỳ SEA Games thành công bậc nhất lịch sử
Tại kỳ SEA Games 30 vừa kết thúc trên đất Philippines, đoàn Thể thao Việt Nam đã xếp thứ 2 chung cuộc với thành tích 98 HCV, 85 HCB và 105 HCĐ. Để so sánh, chỉ tiêu ban đầu được Tổng cục Thể dục thể thao đề ra chỉ là 65 HCV trở lên và một vị trí trong Top 3.
Tuy nhiên, đoàn TTVN do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn dẫn đầu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi chỉ xếp sau chủ nhà Philippines, trong khi bỏ xa đoàn xếp thứ 3 là Thái Lan tới 6 HCV.
Sau kỳ SEA Games vừa qua, đã có nhiều luồng ý kiến, quan điểm từ giới chuyên môn cũng như truyền thông đánh giá rằng Thể thao Việt Nam vừa trải qua kỳ Đại hội khu vực thành công bậc nhất trong lịch sử. Thậm chí, thành tích ở SEA Games năm nay - dưới góc độ nào đó - còn hiệu quả và thành công hơn cả kỳ SEA Games 22 mà Việt Nam là chủ nhà và xếp nhất toàn đoàn với 158 HCV.
Để làm rõ hơn nhận xét đánh giá trên, Webthethao.vn đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nhà quản lý thể thao, cựu trưởng đoàn TTVN ở nhiều kỳ Đại hội khu vực cũng như thế giới. Và ông Nguyễn Hồng Minh cũng đã chỉ ra rõ hơn những yếu tố then chốt giúp đoàn TTVN có kỳ SEA Games "thắng lợi toàn diện và thành công bậc nhất từ trước đến nay".
Webthethao.vn: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng đoàn TTVN vừa trải qua kỳ SEA Games thành công nhất lịch sử, vậy quan điểm của ông về ý kiến đánh giá này như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Tôi suy ngẫm và theo dõi quá trình thi đấu của đoàn TTVN ở SEA Games 30 lần này và tôi cho rằng sự đánh giá trên từ truyền thông cũng như dư luận là đúng đắn. Tôi khẳng định nó hoàn toàn đúng đắn! Và nếu có ý kiến năm nay chúng ta còn gặt hái thành công hơn cả kỳ SEA Games 22 ở Việt Nam hồi năm 2003 thì cũng rất có cơ sở và có lý.
Webthethao.vn: Dưới góc độ của một nhà quản lý, một chuyên gia thể thao Việt Nam hàng đầu và từng là trưởng đoàn ở nhiều kỳ Đại hội, ông có thể chỉ ra rõ hơn những yếu tố then chốt dẫn tới thành công của chúng ta ở SEA Games năm nay?
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Sở dĩ tôi nói SEA Games năm nay có thể xem là thành công hơn cả kỳ SEA Games 22 là bởi những lý do sau. Thứ nhất, chúng ta tiến bộ và giành được nhiều kết quả tốt ở các môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu của Olympic.
Đây là vấn đề định hướng của TTVN, đã được chuyển đổi và thực hiện tốt, đạt hiệu quả tốt từ SEA Games 2015 tại Singapore. Có thể kể ra đây là Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Đấu kiếm, Bắn cung, Vật... và đặc biệt là bóng đá. Rồi cũng phải đến sự tiến bộ của Quần vợt, Bóng bàn. Đó đều là các môn ở Olympic. Tổng số các môn Olympic đóng góp khoảng 60% số huy chương vàng cho đoàn Việt Nam. Đấy chính là yếu tố thành công thứ nhất.
Thứ hai, đó là sự trở lại của các môn võ như Taekwondo, Karatedo, Boxing, Wushu, Silat hay Vật. Lần này các môn võ đóng góp tới quãng 20-30 HCV, trong đó riêng môn Vật đã mang về tới 12 chiếc.
Những kỳ SEA Games gần đây Vật không đóng góp là vì các nước đăng cai không tổ chức. Rồi còn phải kể đến những mỗn Võ khác đi theo con đường xã hội hóa như Kurash (7 HCV), Kickboxing (4) cũng gặt hái thành công.
Thứ ba, một yếu tố thắng lợi nữa theo quan sát của tôi và tôi suy ngẫm đó chính là thành công của các VĐV và đội tuyển nằm trong chương trình xã hội hóa. Chúng ta biết rằng có trên 10 đội tuyển ở đoàn TTVN dự SEA Games lần này đi bằng kinh phí xã hội hóa chứ không phải nhờ kinh phí nhà nước.
Nếu nhìn sâu hơn vào những đội tuyển đó thì sẽ thấy không ít những VĐV trưởng thành và đạt thành tích cao ở SEA Games lần này là nhờ chủ trương xã hội hóa, mà không phải đầu tư kinh phí trong quá trình đào tạo VĐV hay kinh phí đi tham gia thi đấu nước ngoài từ nguồn vốn nhà nước.
Tôi lấy thí dụ là Quần vợt, thắng lợi của Lý Hoàng Nam là thắng lợi của thể thao Tây Ninh, của CLB Hải Đăng (Tây Ninh), từ đóng góp của Becamex Bình Dương. Tấm HCV của Lý Hoàng Nam chính là dấu mốc lịch sử nói lên rằng không chỉ Quần vợt mà thể thao Việt Nam phải đi theo con đường đó (xã hội hóa).
Nên nhớ rằng, đây là một quy luật! Quy luật này đã được Chính phủ "cụ thể hóa" bằng Nghị định từ năm 1995. Tất nhiên, với thể thao thành tích cao tiến trình xã hội hóa vẫn diễn ra chậm, nhưng lần này đóng góp của các bộ môn theo chủ trương xã hội hóa thực sự rõ rệt, hiệu quả.
Cuối cùng, niềm vui của mọi người được trọn vẹn chính là thành công của hai ĐT Bóng đá, đặc biệt là bóng đá Nam. Như dư luận đã nói "60 năm qua chung ta chờ đợi tấm HCV", thì lần này chúng ta đã cụ thể hóa được giấc mơ ấy. Người ta cũng đánh giá rằng thành tích lần này hơn cả SEA Games 22, thời điểm tôi làm Trưởng đoàn TTVN, cũng đúng.
Năm đó chúng ta không có tấm HCV bóng đá Nam và tôi vẫn nhớ rất rõ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói rằng: "Này Minh, TTVN dẫn đầu là rất tốt, nhưng tôi vẫn muốn thấy tấm HCV bóng đá Nam"!
Sau này tôi vẫn thường hay nhắc lại với giới chuyên môn và cả truyền thông về hình ảnh hàng vạn người Việt Nam lặng lẽ rời sân Mỹ Đình, không có niềm vui sướng bóng đá Nam của chúng ta không có tấm HCV. Chính vì vậy, lần này khi thầy trò HLV Park Hang-Seo mang về tấm HCV ở ngày thi đấu cuối cùng nó cũng đánh dấu thắng lợi lịch sử, toàn diện của đoàn TTVN ở SEA Games 30".
Webthethao.vn: Vâng, xin cảm ơn những đánh giá chia sẻ của ông. Và xin chúc ông sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho thể thao nước nhà!