Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: SEA Games 31 là cơ hội xoá bỏ nhược điểm của thể thao khu vực
Webthethao: Từng là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 22, kỳ đại hội lần đầu tiên được tổ chức trên sân nhà, ông đánh giá gì khi Việt Nam tiếp tục là nước chủ nhà SEA Games 31?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Gần 20 năm sau ngày lần đầu tổ chức SEA Games 22, bản thân tôi vẫn bồi hồi và khó quên về cảm xúc đó. Trong hồi ký của tướng Zhukov nói về suy nghĩ, ông có nói: Có rất nhiều điều trong cuộc sống người ta có thể quên đi; và có chăng những điều không thể quên thì chúng ta buộc phải nhớ.
Những kỷ niệm của thể thao Việt Nam ở SEA Games 22 đối với tôi và rất nhiều VĐV, HLV, nhà quản lý là không thể quên. Bởi đó là lần đầu tiên chúng ta tổ chức kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á ở Việt Nam.
SEA Games là dịp để các VĐV cọ xát, nâng cao trình độ. Từ bàn đạp SEA Games, chúng ta tiến lên đấu trường châu lục hay thế giới. Gần 20 năm qua, chúng ta đã thực hiện và bức tranh của thể thao Việt Nam bây giờ khác với thời bấy giờ. Thời đó, chúng ta tổ chức SEA Games với nhiều âu lo, khó khăn vì không có kinh nghiệm, trình độ thể thao còn thấp và kinh tế chưa phát triển như mong muốn. Nhưng chuẩn bị cho SEA Games 22 là sự nỗ lực rất lớn của tất cả các cấp, ngành.
Ý nghĩa quan trọng nhất của thể thao thành tích cao là giới thiệu với bạn bè khu vực, quốc tế về đất nước, con người, nền văn hóa, thể thao Việt Nam. Đó là vấn đề quan trọng hàng đầu còn thành tích chỉ là thứ hai. Khi thể thao hòa nhập với quốc tế, thể thao thành tích cao là biện pháp để giáo dục con người về ý chí, tinh thần, kỷ luật, sự nỗ lực để vươn lên. Đó là bài học cần thiết cho thế hệ trẻ cũng như tinh thần của thể thao Olympic.
Dịch COVID-19 tác động lớn đến mọi hoạt động từ kinh tế, xã hội cho đến thể thao – văn hóa. Vậy, trong thời gian qua, thể thao Việt Nam có hành động nào để vượt qua khó khăn từ dịch bệnh?
- Khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ cùng các cấp, ngành đã quyết liệt để đẩy lùi. Ngành thể thao cũng rất nỗ lực nhằm duy trì lực lượng VĐV, tạo mọi điều kiện để các VĐV tập luyện. Và trong bối cảnh dịch bệnh như thế, các giải đấu buộc phải điều chỉnh; thậm chí thay đổi thể thức thi đấu.
Trong thể thao, ngoài công tác huấn luyện thì vấn đề thi đấu rất quan trọng với VĐV. Nếu không thi đấu thì không đánh giá được năng lực, thành tích. Tất cả đó đều là khó khăn, không như điều kiện bình thường.
Sang năm, chúng ta tham dự SEA Games. Mục tiêu quan trọng là phát triển thành tích của VĐV thì các ĐTQG vẫn được duy trì, chăm sóc nghiêm túc. Đó là sự nỗ lực để khắc phục khó khăn. Nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19 thì đó là điều kiện thuận lợi để từ nay đến khi tổ chức SEA Games, thành tích của VĐV tốt hơn.
Campuchia là nước chủ nhà của SEA Games 32, tức là 3 năm sau mới diễn ra nhưng họ vừa tổ chức lễ đếm ngược. Tại sao Việt Nam tổ chức đúng thời điểm trước một năm ngày khai mạc Đại hội?
- Tại các trung tâm huấn luyện thể thao, ở rất nhiều kỳ SEA Games hay ASIAD, hình thức đếm ngược tổ chức rất sớm nhưng nằm trong phạm vi của các trung tâm nhằm nhắc nhở các VĐV, HLV rằng: thời gian trôi đi thì phải tranh thủ để rèn luyện, nỗ lực, đảm bảo khả năng, tiềm lực tham gia thi đấu. Chuyện này diễn ra thời gian dài qua chứ không phải bây giờ mới diễn ra.
Lần này, chúng ta tổ chức đếm ngược 365 ngày tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội) là hoạt động có tính chất văn hóa nhằm đẩy mạnh, tập trung sự chú ý của những người yêu mến thể thao. Đây là việc làm rất tốt, đúng lúc.
Với tư cách nguyên Trưởng đoàn, ông có thể chia sẻ những khó khăn về sự chuẩn bị của đoàn chủ nhà Việt Nam ở SEA Games 22?
- Thông thường, nước chủ nhà chuẩn bị SEA Games dựa trên ba mặt. Đầu tiên là công tác tổ chức; nghĩa là thành lập, xây dựng các kế hoạch tổ chức. Thành lập những tổ chức để thực hiện các kế hoạch đó. Thứ hai là xây dựng phục vụ cho SEA Games như kế hoạch tài chính, quảng bá văn hóa, tuyên truyền, vệ sinh môi trường, xây dựng lực lượng VĐV,… Tất cả phải xây dựng trước. Thời gian chuẩn bị của nước có kinh nghiệm là 2 đến 4 năm; những nước ít kinh nghiệm từ 4 đến 6 năm. Thứ ba là xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng điều kiện tổ chức.
Đối với ngành thể thao, chuẩn bị lực lượng là vấn đề hết sức quan trọng. Điều này bao gồm lực lượng VĐV để trực tiếp tham gia thi đấu; các chuyên gia, HLV để tổ chức các cuộc tập huấn, thi đấu. Việc tuyển chọn những đoàn thể thao mạnh cũng cần rất nhiều thời gian.
Chúng ta còn chuẩn bị lực lượng phục vụ thi đấu. Đó là các tình nguyện viên. Ở SEA Games 22, chúng ta có 7.000 tình nguyện viên và 3.000 cán bộ phục vụ. Lực lượng đó sắp tới đây chúng ta cũng phải chuẩn bị. Quay lại thời điểm đó, vì lần đầu tổ chức nên chúng ta chưa có kinh nghiệm về vấn đề này. Hơn nữa, các thông tin của SEA Games xung quanh thành tích, các VĐV chứ không nói về kinh nghiệm tổ chức.
Trước đó, Việt Nam đặt vấn đề học tập kinh nghiệm tổ chức của các nước; đặc biệt là các quốc gia nhiều lần tổ chức như Thái Lan, Indonesia. Ngoài ra, chúng ta tiếp cận cách thức tổ chức ASIAD bởi vì những sự kiện thể thao tổ chức cũng tương tự về công tác chuẩn bị. Do đó, từ năm 1997, chúng ta thành lập nhóm nghiêm cứu công tác chuẩn bị cho SEA Games.
Sau đó, chúng ta xây dựng một đề án xây dựng cho SEA Games 22, tất cả việc đều phải làm được xây dựng tỉ mỉ. Từ đó trình Chính phủ ký văn kiện Xây dựng chương trình quốc gia về lực lượng VĐV và cơ sở chuẩn bị nhằm chuẩn bị cho SEA Games 22. Lúc bấy giờ, nền kinh tế chúng ta chưa phát triển như bây giờ; chúng ta không có kinh nghiệm tổ chức, đặc biệt với đội ngũ quản lý. Cho nên, tất cả tiếp thu kinh nghiệm, tranh thủ chuẩn bị từ trước.
Khó khăn tiếp theo là cơ sở nghèo nàn. Toàn bộ Khu liên hợp thể thao QG Mỹ Đình thời bấy giờ là bãi hoang, sình lầy. Trọng trách được giao cho ngành thể thao là biến vùng đầm lầy thành khu liên hợp thể thao như bây giờ. Ngoài ra, các tỉnh phụ cận đều phải xây dựng, cải tạo Nhà thi đấu trong điều kiện khó khăn.
Tựu chung, khi tổ chức các sự kiện thể thao lớn, sự quan tâm của Chính phủ là điều kiện tiên quyết. Nền kinh tế chưa phát triển thì các nhà tài trợ sẽ chưa có sức mạnh, sự đóng góp xã hội hạn chế. Chính sự chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ là điều kiện quyết định để tổ chức thành công.
Về chuyên môn, chúng ta chuẩn bị từ năm 1997, tức lên đến 6 năm. Chúng ta chuẩn bị cho một đoàn thể thao lên đến gần 1.000 người. Nếu nói lại khó khăn thì thời đó rất nhiều. Bản thân tôi được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn nhưng bên cạnh đó, tôi được giao nhiệm vụ của Ban kỹ thuật. Đó là trực tiếp điều hành, tổ chức các cuộc thi đấu; chuẩn bị mua sắm các trang thiết bị,…
Những năm tháng đó là năm tháng nỗ lực của các nhà quản lý. Nhờ vượt qua trở ngại đó, đặc biệt là về kinh nghiệm và tài chính, chúng ta đã phấn đấu tốt, hoàn thành nhiệm vụ lúc bấy giờ.
Chúng ta đã chuẩn bị đến đâu và có tự tin về sự thành công ở kỳ SEA Games 31, thưa ông?
- Những công việc thuộc về công tác tổ chức quan trọng hàng đầu, phải làm sớm. Trong đó là thành lập BTC, các tiểu ban thuộc BTC; đồng thời xây dựng kế hoạch, các nhiệm vụ, nội dung và các hạng mục, tiến độ của nó. Sẽ phải thành lập Trung tâm điều hành để tổng hợp tin tức ở các địa điểm thi đấu và xây dựng kế hoạch để kiểm tra tiến độ. Tất cả điều này chúng ta đều có kinh nghiệm. Có những khó khăn mới, mà đầu tiên là giao thông. Một khó khăn nữa là chúng ta vẫn đang phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Nhưng thuận lợi cơ bản là trình độ VĐV phát triển ổn định; kinh nghiệm tổ chức giúp thế hệ sau đỡ lo âu hơn; thái độ và tiềm lực đầu tư cho thể thao lớn hơn. Chẳng hạn, xây dựng một chương trình thi đấu vừa đáp ứng chuyên môn và có tính fair-play. Điều này cũng dựa vào hai yếu tố: thay đổi nhận thức của nhà quản lý thể thao và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ.
Lần tổ chức này, chúng ta có sự tự tin để tổ chức thành công. Khó khăn lớn của lần này khác lần trước khi chúng ta có niềm tin vào đội ngũ VĐV cũng như kế hoạch tổ chức. Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT chia sẻ với tôi, chúng ta phải đấu tranh để ngăn chặn tư tưởng muốn tìm cách hạn chế sức mạnh của các nước, vẫn muốn tạo nhiều lợi thế cho mình. Nó ảnh hưởng đến tính nhân văn, tính fair-play trong thi đấu thể thao. Điều này cũng khó khăn vì nhiều nhà quản lý thể thao cả mới lẫn cũ có mang tư tưởng SEA Games theo tinh thần số đông các nước Đông Nam Á.
Dư luận thắc mắc, Philippines chỉ đứng thứ 5 ở SEA Games 22 nhưng kỳ sau tổ chức sân nhà, họ lại lên thứ nhất. Indonesia tổ chức cũng lên thứ nhất hay Myanmar là nước không có sự phát triển mạnh về thể thao nhưng năm 2013 tổ chức, họ cũng có vị trí cao.
Theo dõi quá trình đó, tôi thấy, nhược điểm của phong trào Đông Nam Á là không ổn định được các môn thi đấu. Việt Nam cũng bị cuốn vào thời kỳ chúng tôi làm nhưng nay thì cải thiện rất nhiều. Song vẫn chưa hết, vẫn còn tàn dư của nó.
Một chương trình thi đấu muốn đưa thể thao Việt Nam phát triển lên tầm cao mới thì phải tập trung vào chương trình của Olympic, của ASIAD; đẩy lùi căn bệnh thành tích.
Bóng đá nam luôn nhận được sự kỳ vọng của NHM ở bất kỳ kỳ SEA Games nào. Năm ngoái, chúng ta giải cơn khát Vàng sau hơn nửa thập kỷ chờ đợi. Ông có thể bình luận gì về sự kiện lịch sử này?
- Tôi là người làm thể thao nhiều năm. Cách nhìn của tôi về thể thao theo tinh thần Olympic. Thể thao không chỉ giáo dục về thể lực mà còn cả về ý chí, quan niệm về sự phát triển từng môn thể thao.
Bóng đá là một trong tất cả các môn thể thao. Tôi coi như các môn thể thao khác. Nhưng, ở Việt Nam, NHM mọi người đặc biệt yêu mến bóng đá nên mong muốn bóng đá phát triển là nhu cầu tất yếu. Không chỉ nhà quản lý, NHM mà cả truyền thông, tất cả dành công sức, tiền bạc, suy nghĩ đầu tư cho bóng đá.
Thế nên, chiếc HCV bóng đá là sự cổ vũ rất lớn cho cả toàn đoàn chứ không chỉ người xem. Đáng tiếc, trong một thời gian dài, chúng ta không có kết quả. Sau này, bóng đá phát triển, chúng ta giành HCV thì đó là thắng lợi trọn vẹn của thể thao Việt Nam. Nếu không có sự thắng lợi của bóng đá thì không trọn vẹn vì xuất phát từ tâm lý xã hội, rất nhiều NHM yêu mến bóng đá. Có nhiều nước có nền thể thao xuất sắc như không vô địch bóng đá như Mỹ, Nga hay Trung Quốc,…
Chúng ta đang cố gắng để giành vị trí số 1 Đông Nam Á và các tài năng được đầu tư để giành HCV Olympic, châu lục. Bao nhiêu năm chúng ta mới có tấm HCV Olympic của Hoàng Xuân Vinh. Nhưng bầu không khí của chiếc HCV từ anh Vinh chưa bằng bóng đá. Đó là từ vấn đề xã hội. Từ đó có sự đầu tư, đánh giá một cách công bằng.
Mỗi kỳ SEA Games đều có những ý nghĩa riêng. Vậy, lần này, đâu là ý nghĩa lớn với thể thao Việt Nam, thưa ông?
- Kết thúc SEA Games lần trước, lãnh đạo ngành thể thao khẳng định, SEA Games 22 đã để lại dấu ấn Việt Nam. Sau SEA Games, để mừng thắng lợi, các nhà quản lý được lãnh đạo Chính phủ mời bữa cơm thân mật. Tại đây, Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tâm sự, sau chiến thắng năm 1975 thì SEA Games lần này cho chúng ta thấy rõ hơn tinh thần dân tộc Việt Nam.
Còn lần này, ý nghĩa nêu cao ngọn cờ đất nước vẫn là hàng đầu. Khái niệm ngọn cờ đất nước cần mở rộng hơn nữa. Không chỉ các VĐV đứng trên bục nhận huy chương vàng mà còn là toàn bộ nhận thức về vai trò thể thao đối với việc xây dựng đất nước, giương cao ngọn cờ dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ, cải thiện thể chất được quan tâm hơn, có sự thay đổi. Trong quá trình phát triển, nhu cầu thể thao lớn lên thì đây là sự kiện giải trí trong đời sống tinh thần, văn hóa. Ở tất cả đại hội thể thao, họ đều chú ý yếu tố văn hóa dân tộc.
Qua sự kiện đó, văn hóa của nước chủ nhà phải được thể hiện. Đây là một dịp để người có trách nhiệm trong ngành văn hóa suy nghĩ kế hoạch để truyền bá rộng rãi hơn nữa, làm sao bạn bè thế giới hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!