"Độc cô cầu bại" Nguyễn Văn Hùng và 3 vai trò ở các kỳ SEA Games
Được triệu tập danh sách Tuyển bóng rổ Việt Nam dự SEA Games 2017 là một điểm nhấn đặc biệt trong sự nghiệp của "độc cô cầu bại" môn Taekwondo Nguyễn Văn Hùng.
Video: Nguyễn Văn Hùng tập luyện cùng ĐT bóng rổ Việt Nam
Không phải đến khi tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 29 cùng ĐT bóng rổ Việt Nam thì Nguyễn Văn Hùng mới được biết đến như một VĐV bóng rổ. Từ khi chơi chuyên nghiệp cho Saigon Heat 2015, tên tuổi của anh gắn liền với trái bóng cam.
Sở hữu chiều cao 1m95, cơ bắp cuồng cuộn nhờ nhiều năm thi đấu Taekwondo mà Nguyễn Văn Hùng trở thành mẫu trung phong (Center) hiếm hoi của bóng rổ Việt Nam. Cuộc đời thể thao của người đàn ông 37 gần như song song giữa hai môn này.
Với việc liên tục đoạt HCV tại cáckỳ SEA Games khi còn là VĐV Taekwondo vào các năm 1999, 2001, 2003, 2005 và 2007 giúp cho anh sau này trở thành HLV trưởng ĐT Taekwondo Việt Nam, SEA Games 29 là lần đầu tiên võ sĩ này tham dự với một tư cách khác.
"Đối với tôi những lần đoạt Huy chương Vàng là kỷ niệm đáng nhớ nhất với mình. Tất nhiên là khi thất bại thì bạn không hề muốn nhớ đến điều đó. Tôi thích thử thách bản thân mình nhiều hơn", Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Ở SEA Games 29 sắp diễn ra tại Malaysia, Nguyễn Văn Hùng sẽ không tham gia với tư cách HLV Taekwondo nữa. Anh đã được triệp tập và tập luyện cùng Đội tuyển bóng rổ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Todd Purves tại Trung tâm HLTDTT II tại Thủ Đức.
Nguyễn Văn Hùng trở thành cá nhân hiếm hoi trong làng thể thao Việt Nam dự SEA Games với ba tư cách khác nhau. Chỉ chưa đầy một tháng nữa, anh và các đồng đội sẽ hát Quốc ca trên sàn thi đấu bóng rổ chứ không phải thảm đấu võ như trước kia.
"Dù tham gia với tư cách nào thì với tôi đó là niềm tự hào, hạnh phúc to lớn khi còn được cống hiến cho tổ quốc. Không khí SEA Games với tôi đã quá đỗi thân thuộc nên không hề cảm thấy lạ lẫm chút nào", người con xứ Thanh nói tiếp:
"Có lẽ khác biệt lớn nhất giữa hai môn mà tôi tham gia tư cách VĐV chính là việc Taekwondo là một cá nhân, còn bóng rổ là môn chơi đồng đội, cần một tập thể mới có thể làm nên chuyện".
Năm 2016 và 2017 có lẽ là hai năm may mắn của VĐV sinh năm 1980. Khi sau hơn 13 năm tập luyện và thi đấu, Nguyễn Văn Hùng lần đầu tiên khoác áo đội tuyển bóng rổ Việt Nam thi đấu quốc tế tại SEABA 2017 và SEA Games 29.
Cận kề cái tuổi 40 nhưng nhìn bề ngoài thật khó tin anh sở hữu dáng dấp của một VĐV chuyên nghiệp hừng hực năng lượng. Chính điều đó khiến cựu HLV Anthony Garbelotto của Saigon Heat cũng ngạc nhiên:
"Bạn có thể đạt đến đẳng cấp Olympic ở một môn khác rồi giải nghệ nhưng theo đuổi một môn khác với cùng đẳng cấp như vậy thì thật đáng nể. Hùng là hình mẫu của sự chuyên nghiệp, tập luyện với tinh thần cao nhất, mà điều đó thì cần cho mọi môn thể thao".
Khác với Taekwondo là nơi các VĐV như Nguyễn Văn Hùng đặt mục tiêu giành huy chương cá nhân, bóng rổ Việt Nam chỉ hy vọng vượt qua được vòng bảng tại SEA Games 29. Nhưng với cá nhân "Độc cô cầu bại" ở lần trở lại SEA Games lần này là sự đặc biệt.