Thông điệp ý nghĩa "Nói không với doping" ở SEA Games 31
Sau một năm bị hoãn vì dịch COVID-19, SEA Games 31 đã được diễn ra từ 12-23/5. Trước thềm khai mạc Đại hội thể thao Đông Nam Á, việc thực hiện kiểm tra doping như thế nào là một bài toán khó cần BTC tìm lời giải.
SEA Games năm nay được tổ chức tại 11 tỉnh, thành phố tạo nên những khó khăn trong công tác nhân lực, di chuyển và lấy mẫu. Tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình vận chuyển mẫu ra nước ngoài.
Để giải bài toán khó này, Vietcontent - đơn vị đại diện tư vấn, tiếp thị tài trợ cho BTC SEA Games 31 đã xúc tiến lễ ký hợp đồng xét nghiệm doping với Viện phân tích khoa học và kiểm tra Doping Thái Lan.
Chia sẻ về việc thực hiện thông điệp “Nói không với doping tại SEA Games 31”, ông Vũ Trọng Hải, đại diện tiểu ban y tế và kiểm tra doping SEA Games 31 cho biết: “Tổ chức phòng chống doping quốc gia Việt Nam phối hợp cùng với tổ chức phòng chống doping Đông Nam Á triển khai chương trình phòng chống doping trong hoạt động thể thao tại SEA Games 31. Vì số lượng hạn chế nên chúng tôi không tổ chức ở tất cả các địa điểm, chỉ tập trung ở 1 số địa điểm của 1 số môn như: xe đạp, cử tạ...”.
Tại SEA Games 31, thông điệp “Nói không với doping được áp dụng rộng rãi ở tất cả các bộ môn thi đấu để đảm bảo tính công bằng và tinh thần thể thao. Ông Hải nói: “Tại đại hội này chúng ta kiểm tra doping cho tất cả các môn. Số lượng mẫu kiểm tra doping chỉ sau kỳ SEA Games 2015 ở Singapore”.
“Kỳ SEA Games trước ở Philippines chỉ kiểm tra hơn 400 mẫu còn lần này có hơn 1000 mẫu thử doping. Đây là 1 trong những chương trình tổ chức chức doping thế giới đang đẩy mạnh ở tất cả các môn chứ không riêng gì cử tạ. Cử tạ là 1 trong những môn trọng điểm nên chúng tôi triển khai chương trình ở địa điểm thi đấu môn cử tạ. ”, ông Vũ Trọng Hải nói thêm.
SEA Games 31 có sự tham dự của 5.000 VĐV đến từ 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á. Và có khoảng 10% VĐV đã được kiểm tra doping dựa trên hai yếu tố: thành tích thi đấu và nguy cơ trong việc sử dụng doping.
Đối với công tác kiểm tra doping, đại diện các nước đều đánh giá cao sự chuẩn bị của Việt Nam về tất cả các khâu, bao gồm từ việc thông tin liên lạc, chuẩn bị lực lượng, kiểm tra nhân sự để lấy mẫu kiểm tra doping; về các phương án, cách thức thực hiện việc lấy mẫu, vận chuyển và xét nghiệm...