Trần Mai Ngọc: Tay vợt mồ côi cha bước ra ánh hào quang vô địch SEA Games 32
Cũng như nhiều giải trước, bước vào giải VĐQG báo Nhân dân 2021 tại Quảng Nam, giới chuyên môn cùng người hâm mộ lại đặt ra câu hỏi liệu ai có thể lật được nhà vô địch tuyệt đối với 12 lần giữ ngôi Mai Hoàng Mỹ Trang?
Để rồi, chính tay vợt trẻ Trần Mai Ngọc đã chặn đứng “tượng đài” bằng chiến thắng ở ngay vòng tứ kết. Điều đáng nói, Mai Ngọc đã đánh bại đàn chị hơn mình 16 tuổi một cách hoàn toàn thuyết phục, không chỉ ở tỷ số 4-2. Và cô học trò cưng của huyền thoại Vũ Mạnh Cường đã khép lại cuộc chinh phục tuyệt vời của mình, bằng thắng lợi 4-0 “trên tay” hoàn toàn trước Kiều My ở trận chung kết.
Tấm HCV đơn nữ quốc gia danh giá chính là một cột mốc quan trọng bậc nhất trong nghiệp đấu, chứng tỏ tài năng trẻ này đã nâng tầm, kết đọng cho hành trình kỳ diệu của tay vợt mồ côi cha, với xuất phát điểm từ một cô bé nhặt bóng.
Sinh năm 2004 tại Bình Dương, mới 2 tuổi, cô bé Trần Mai Ngọc cùng người em gái sinh đôi Trần Ngọc Ngà đã mồ côi cha. Gia cảnh lại càng khốn khó khi chỉ trông chờ vào khoản thu nhập công nhân may bèo bọt của mẹ. Ngoài một buổi đi học văn hóa, chị em Ngọc được mẹ cho đi học bóng bàn nhưng chủ yếu nhặt bóng cho các anh chị.
Như một cái duyên định mệnh, chính từ lần nhặt bóng tại một giải phong trào, Ngọc và Ngà đã được các thầy của CLB T&T cảm thương, quyết định nhận vào đội. Hai chị em háo hức được ra Hà Nội, mê mải xem các anh chị tập bóng bàn, nhất là khi có mẹ đi cùng.
Dù vậy, khi chia tay mẹ, hai chị em khóc hết nước mắt, nằng nặc đòi về. Những năm đầu, mỗi năm Ngọc và Ngà chỉ được về Bình Dương một lần vào dịp Tết. Năm nào cũng vậy, sau khi được nghỉ Tết 2-3 tuần, hai bé lại không chịu ra Hà Nội. Cho dù cả hai tập luyện rất tốt, sớm bộc lộ năng khiếu song suốt một thời gian dài, các thầy và các bạn đã quen với cảnh hai chị em buồn rầu, khóc lóc sau mỗi buổi tập.
Mọi trở ngại cũng dần trôi qua, khi Ngọc cùng em gái lớn lên, ngày càng đam mê và có những bước tiến vượt bậc về chuyên môn. Cả hai chị em, nhất là Mai Ngọc, đã sớm nổi lên như những tài năng trẻ của bóng bàn Việt Nam, qua những chiến thắng thuyết phục tại các giải trẻ.
Để rồi, chính Mai Ngọc đã vụt biến thành một hiện tượng độc nhất vô nhị tại giải vô địch quốc gia 2019, cuộc đấu mà vào giờ chót cô bé 15 tuổi mới được giao vai “kép chính” thay thế cho “đàn chị” Nguyễn Thị Nga vắng mặt.
Như chia sẻ của HLV trưởng Vũ Mạnh Cường, dù tin tưởng cô học trò nhỏ “có thể làm được gì đó” song hành trình cùng màn trình diễn mà gương mặt lạ 15 tuổi này đã tạo ra thực sự “vượt xa kỳ vọng”.
Ở nội dung đơn nữ, Ngọc với sự tự tin cao độ cùng lối chơi chững chạc khó tin đã vượt qua hàng loạt “đàn chị”, thậm chí “đàn cô” như Diệu Khánh, Thảo Nguyên, Vũ Thị Hà, Thanh Thư theo các cách khác nhau, giành quyền vào chơi trận chung kết.
Điều đáng nể, tất cả các trận thắng của Ngọc, kể cả trước các đối thủ được đánh giá cao hơn nhiều, tưởng như bất ngờ nhưng thực tế đều rất thuyết phục và xứng đáng, mà ở đó tay vợt trẻ măng luôn thể hiện được ý đồ chiến thuật, lối chơi biến hóa cùng bản lĩnh thi đấu hiếm có.
Ngay cả trận chung kết trước đối thủ quá lớn Mai Hoàng Mỹ Trang, tuy không thể làm nên đột biến, Mai Ngọc vẫn cho thấy tinh thần chiến đấu, cùng những pha tấn công ghi điểm, trả bóng phản công chất lượng và có nét riêng.
Cũng giống như “tượng đài” Nhan Vị Quân của 31 năm trước, một “sao mai” thực thụ Mai Ngọc tuổi 15, đã được phát lộ. Mai Ngọc đã lập tức được đặc cách triệu tập vào đội tuyển bóng bàn Việt Nam, và giờ “bay” thẳng tới SEA Games 2019 với tư cách tuyển thủ trẻ nhất của đoàn thể thao Việt Nam.
Hai năm sau kỳ SEA Games đặc biệt ấy, Mai Ngọc đã tiếp tục trưởng thành vượt bậc nhờ quyết tâm cùng sự nỗ lực bền bỉ, đặt trong một quy trình đào tạo bài bàn của CLB Hà Nội T&T, và được kèm cặp rèn giũa kỹ lưỡng bởi cựu danh thủ Vũ Mạnh Cường.
Trong đó, Ngọc đã thi triển tốt lối chơi tấn công chủ động và đa dạng với quả phải đầy uy lực, khả năng di chuyển linh hoạt, bên cạnh một bản lĩnh, với độ “lì” vượt xa tuổi 17.
Qua giải, một tài năng đặc biệt đã thực sự tỏa sáng, cho dù Mai Ngọc còn phải phấn đấu tiếp tục tạo nên một cuộc “vượt ngưỡng” mới để trụ vững trên đỉnh quốc gia và vươn ra quốc tế. Trong đó, tay vợt 17 tuổi này cần nâng cao rất nhiều về thể lực và nâng cao uy lực của cú trái tay.
Theo Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn, ngành thể thao cùng đơn vị chủ quản đã thống nhất sẽ đầu tư trọng điểm cho Mai Ngọc, với những giải pháp đặc biệt về thầy ngoại, tập huấn thi đấu cọ xát quốc tế.
Đã trở thành thành viên ĐTQG từ năm 2019, Mai Ngọc hội đủ các yếu tố cần thiết để đóng vai chính ở đội hình nữ cho mục tiêu tranh huy chương tại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà, nhất là sau khi “tượng đài’ Mai Hoàng Mỹ Trang đã chia tay.
Và tại kỳ Đại hội năm ngoái, Mai Ngọc đã có cho mình 2 tấm HCĐ đôi nữ và đồng đội nữ. Đến kỳ SEA Games 32 năm nay, cô bé có thân hình mảnh khảnh, mái tóc ngắn và khuôn mặt bầu bĩnh dễ mến nhưng rất hiếm khi mỉm cười đã đổi màu huy chương cho bản thân.
Chiều nay, cùng đồng đội Đinh Hoàng Anh xuất sắc vượt qua đối thủ cực mạnh Singapore ở trận chung kết đôi nam nữ với tỷ số chung cuộc 3-1 (13-11, 11-8, 8-11, 14-12), Mai Ngọc đã có cho mình tấm HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp.
Đây là chiến tích lần đầu tiên trở lại với bóng bàn Việt Nam sau 26 năm kể từ khi hai tượng đài Vũ Mạnh Cường - Ngô Thu Thủy kết hợp đăng quang tại kỳ SEA Games ở Indonesia năm 1997, thời điểm Mai Ngọc còn chưa chào đời.
26 năm, xấp xỉ 1/4 thế kỷ, hôm nay lịch sử huy hoàng ấy đã được tay vợt 19 tuổi Mai Ngọc cùng đồng đội viết lại. Và chắc chắn còn rất nhiều điều đáng để kỳ vọng hơn nữa ở tay vợt trẻ "hiện tượng" này của bóng bàn Việt Nam.
-->>>> Từ cô bé nhặt bóng mồ côi cha tới tuyển thủ trẻ nhất đoàn thể thao VN dự SEA Games 30