Trưởng đoàn Trần Đức Phấn: Phải đoạt tối thiểu 65 HCV mới hy vọng vào Top 3 SEA Games
Webthethao: Theo dự báo của ông, thể thao Việt Nam sẽ phải giành tối thiểu bao nhiêu HCV để tiếp tục bảo vệ được một vị trí trong Top 3 toàn đoàn tại SEA Games 30?
Ông Trần Đức Phấn: Như tính toán của chúng tôi, thể thao Việt Nam sẽ phải đoạt 65 HCV trở lên mới có hi vọng tranh chấp một vị trí trong Top 3 mà cụ thể hơn là hạng ba toàn đoàn ở SEA Games 30 . Với những lợi thế lớn về chương trình thi đấu cùng ưu thế chủ nhà, Philippines coi như cầm chắc ngôi dẫn đầu, khi có thể đoạt tối thiểu 120 HCV. Thái Lan, sẽ đứng thứ hai nhờ thực lực cùng sự toàn diện vượt trội của họ, đặc biệt ở các môn Olympic. Hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp hạng ba với Việt Nam là Malaysia và nhất là Indonesia vẫn đang có lực lượng mạnh nhờ thành quả của việc chuẩn bị và đăng cai Asiad vào năm ngoái.
Nhiều kỳ SEA Games qua, ngành thể thao vẫn loay hoay với chỉ tiêu Top 3 toàn đoàn như một gánh nặng và nỗi ám ảnh đè nặng. Lần này có gì khác, và theo ông đây có còn là chỉ tiêu bắt buộc?
- Chỉ tiêu Top 3 toàn đoàn, tôi cho rằng chúng ta sẽ ngày càng không còn đặt nặng. Đơn giản vì chương trình thi đấu SEA Games luôn thay đổi sau mỗi kỳ Đại hội, ngay cả với các môn, nội dung cơ bản của Olympic. Chúng ta không có cách nào tính thế nào và làm sao để là hạng ba, hạng nhì hay hạng nhất toàn đoàn một cách chính xác và ổn định.
Chúng ta phải có cách tiếp cận và chuẩn bị phù hợp, trong đó sự đầu tư và phát triển phải đặt trọng tâm vào đấu trường chính Asiad, và một vài môn, nội dung ở Olympic có thế mạnh, khả năng. Ngay ở SEA Games, chúng tôi xác định sẽ phải phấn đấu đứng trong Top 3, thậm chí là Top 2 trên bảng xếp hạng thành tích của các môn Olympic và Asiad cơ bản.
Trên thực tế Top 3 toàn đoàn đã không còn là chỉ tiêu bắt buộc của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sẽ phấn đấu Top 3 vì rõ ràng so với khu vực chúng ta rất có lực để đứng trong nhóm dẫn đầu.
Tại SEA Games 29, điền kinh Việt Nam đoạt tới 17 HCV để lần đầu tiên đứng đầu khu vực. Lần này, ngành thể thao có tiếp tục giao cho môn này giữ vững ngôi số 1?
- Sau hai năm, điền kinh khu vực đã có nhiều đối khác đáng chú ý. Xu hướng nhập tịch VĐV ở một số nước nở rộ, rõ nhất Philippines, hay Thái Lan cũng đang có trở lại mạnh mẽ. Trong khi đó, điền kinh Việt Nam không còn giữ được ưu thế rõ rệt ở một số nội dung từng giành HCV ở SEA Games trước, đơn cử nhảy xa nữ với sự vắng mặt đáng tiếc của Thu Thảo.
Ngành thể thao không giao cho điền kinh phải giữ ngôi đầu hay phải tái lập kỳ tích như ở SEA Games 29. Với thầy trò đội điền kinh, đích nhắm giành 13 HCV trở lên là phù hợp, và hoàn toàn có thể. Nhưng về mặt chỉ đạo, chúng tooi điền kinh sẽ phấn đấu vượt
Ông có thể chia sẻ gì về hai trường hợp hai ngôi sao hàng đầu là kình ngư Ánh Viên và xạ thủ Xuân Vinh đang rất được quan tâm, với những dấu hỏi về sự chuẩn bị, phong độ và thành tích tại SEA Games 30?
- Có thể thấy trong thời gian vừa qua, thành tích của Ánh Viên và Xuân Vinh đều sa sút, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thế nhưng, đây vẫn là hai niềm hi vọng Vàng ở SEA Games 30, nhất là Ánh Viên trong tương quan môn bơi ĐNÁ.
Với riêng Ánh Viên, chúng tôi không đặt ra chỉ tiêu cụ thể nào, như việc phải đoạt 8 HCV mà chỉ xác định rõ phải có sự chuẩn bị, tích toán kỹ lưỡng để giành chiến thắng chắc chắn ở các nội dung thế mạnh. Với câu hỏi Viên có thể tái lập thành tích 8 HCV hay không, tôi cho rằng, hoàn toàn có thể, song cũng khó khăn. Cá nhân tôi cho rằng nếu Viên đoạt được 8 HCV cũng đã là quá tốt.
Với Xuân Vinh, chúng tôi cũng không tạo ra bất cứ áp lực nào cả. Dù vậy, chúng tôi cùng Ban Huấn luyện ĐTQG bắn súng đã thống nhất với Vinh tinh thần phải phấn đấu có huy chương, thậm chí sớm giành HCV.
Nếu điền kinh chỉ giành 13 HCV, hay giả sử Ánh Viên không đoạt 8 HCV, liệu có đó có phải là nguy cơ đe dọa thứ hạng chung của đoàn thể thao Việt Nam hay không, thưa ông?
- Chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Với chỉ tiêu 65 HCV, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với nhiều phương án đặt ra. Ngoài những đội tuyển, cá nhân nổi trội quen thuộc, lần này, thể thao Việt Nam còn có một số môn, nội dung rất có lợi thế mà chúng ta có thể phát huy cao nhất để hoàn thành chỉ tiêu. Đơn cử sự trở lại của môn vật với 11 nội dung, cờ vua với 4 nội dung, hay một số môn võ “chuyển đổi” được đưa vào chương trình thi đấu.
Bóng đá nam chính là tấm HCV mà giới chuyên môn cùng người hâm mộ kỳ vọng nhất, với sự tin tưởng cao hơn bao giờ hết. Xin ông đánh giá về mục tiêu cùng quá trình chuẩn bị SEA Games cho U22 Việt Nam?
- Ngay từ khi xây dựng kế hoạch dự tranh SEA Games, chúng tôi đã đặt ra cho đội tuyển U.22 mục tiêu là phải phấn đấu giành HCV. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã tập trung toàn lực để chuẩn bị, đầu tư cho đội tuyển bóng đá nam trong điều kiện tốt nhất có thể.
Bóng đá nam chưa giành được tấm HCV nào, và lần này chúng ta thực sự có cơ hội và cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu ấy. Tất cả đã sẵn sàng cho chiến dịch “săn”, song tôi cho rằng, đội tuyển bóng đá nam sẽ phải rất quyết tâm và nỗ lực, phải luôn tập trung cao độ, bởi còn nhiều gam co, thử thách phía trước, gắn với một đấu trường Đại hội có tính đặc thù cao.
Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc đoàn thể thao Việt Nam có một kỳ SEA Games thắng lợi.
Đoàn thể thao Việt Nam với tổng số 856 thành viên sẽ tranh tài ở 43 môn, phân môn của SEA Games 30 gồm điền kinh, bơi, bắn súng, thể dục dụng cụ, cử tạ, đấu kiếm, taekwondo, bắn cung, judo, xe đạp, boxing, karate, wushu, vật, pencak silat, bi sắt, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, quần vợt, cầu mây, billiards, cầu lông, cờ vua, rowing, canoeing, thể dục aerobic, nhảy cầu, thể dục nghệ thuật, bóng ném, golf, jujitsu, muay, arnis, kurash, khiêu vũ thể thao, kick boxing, bowling, sambo, 3 môn phối hợp (bơi - xe đạp - chạy), bóng rổ, eSport, stakeboarding. |