Tú Chinh: Đừng gọi tôi là nữ hoàng điền kinh
Lê Tú Chinh, nữ VĐV trẻ xuất sắc nhất Cúp Chiến thắng 2016, vừa hoàn tất bộ 3 HCV các nội dung chạy 100m, 200m, và 4x100m tiếp sức nữ bị cận 3,5 độ nhưng chính yếu tố đó lại góp phần giúp cô gái 20 tuổi chinh phục tốc độ.
Webthethao đã thực hiện buổi giao lưu trực tuyến với Lê Tú Chinh ngay sau khi cô và đồng đội vừa phá kỷ lục SEA Games ở cự ly sở trường của người Thái là 4x100m tiếp sức. Với 43 giây 88, "dream team" này đã đạt thành tích ngoài mong đợi khi vượt qua kỷ lục cũ là 44 giây 00, do chính Thái Lan nắm giữ trong vòng 10 năm qua.
Phóng viên (PV): Đoạt HCV ở cả 2 cự ly 100m và 200m, Tú Chinh đang được gọi là "nữ hoàng tốc độ" mới. Tú Chinh cảm thấy thế nào?
Tú Chinh: Tôi nghĩ rằng danh hiệu đó phù hợp với chị Vũ Thị Hương (cựu VĐV điền kinh, người từng giành HCV 100m, 200m SEA Games 2013 - PV). Bản thân tôi sẽ tiếp tục cố gắng để vươn lên tầm châu Á. Thành tích hiện tại vượt qua sự kỳ vọng của tôi.
Trước khi tham dự SEA Games, Tú Chinh không được giao chỉ tiêu nhưng hiện tại đã có cho mình 3 HCV, em nghĩ sao về thành tích này?
Thật ra, tôi gặp rất nhiều áp lực trước khi tham dự SEA Games. Kỳ vọng của mọi người quá lớn, vì vậy tôi phải quyết tâm thi đấu để không làm mọi người thất vọng. Do bị cận 3,5 độ nên khi ra sân tôi cũng không thể nhìn rõ mọi người xung quanh, nhờ đó mà cũng giảm bớt áp lực và tập trung hơn vào đường đua.
Tú Chinh bị cận thị từ khi nào và vì sao lại bị cận?
Tôi biết mình bị cận khi còn đi học tại trường bên Quận 8. Dẫu vậy, tôi chỉ đeo kính khi đi học và lái xe chứ không đeo lens khi đi thi đấu. Cũng có thể vì vậy mà trong ngày thi đấu thứ nhất và thứ 2, khi đèn được bật, tôi có cảm giác chói chói nhưng cũng dần quen.
Lần đầu tiên tham dự SEA Games, Tú Chinh gặp những bất lợi hay khó khăn gì?
10 ngày trước khi lên đường, ngón chân út của tôi bị đau như bong gân, phải nhờ thầy Tuấn dưới Đồng Nai chữa trị. Tôi phải ngâm muối từ Việt Nam sang Malaysia để bớt sưng. Dù có sức nhưng nhiều lúc vào đoạn đường cong tôi không ôm hết được vì đau nên chỉ biết ôm cô Hương mà khóc. Giờ thì vết thương đã đỡ nhiều và sắp bình phục.
Khi còn ở TP.HCM tập luyện, nhằm tạo thói quen dùng sức tốt vào đúng thời gian thi đấu lúc 20g30, HLV Thanh Hương đã chuyển giờ tập luyện và xin BGĐ Trung tâm TDTT Thống Nhất cho bật đèn từ 19g00 đến 21g00 để tập luyện cho phù hợp với giờ SEA Games. Nhưng khi đó, Sài Gòn vào mùa mưa, cứ chiều tối là mưa nên ảnh hưởng nhiều đến VĐV chạy cự ly ngắn, tốc độ cao.
Bên cạnh đó, việc di chuyển và chờ đợi ở SEA Games rất mất thời gian mà tôi lại cần ngủ bù sức. Như vòng loại diễn ra lúc 15h30 nhưng chung kết diễn ra vào tối 21h30 mà nếu về khách sạn thì lãng phí thời gian. May mắn, tôi và HLV được phía Webthethao hỗ trợ chỗ nghỉ ngơi buổi trưa để tranh thủ chợp mắt trước khi ra sân tranh tài.
Đạt được thành tích như ngày hôm nay, chắc chắn đó là sự chuẩn bị dày công của cả tập thể, Tú Chinh muốn nhắc đến ai mà những ngày qua họ chưa được biết tới?
Có lẽ, tôi và HLV Thanh Hương phải cảm ơn VĐV Nguyễn Hoàng Duy ở tuyến trẻ TP.HCM. HCV 4x100m tiếp sức mà tôi cùng đồng đội giành được là nhờ Duy hỗ trợ tập luyện rất nhiều. Đội tiếp sức có 3 thành viên ở Hà Nội và mới ráp đội hình có 3 tuần, nên trước đó, Thanh Duy thu xếp giờ học, thậm chí dậy sớm để lên chạy lấy cảm giác cho tôi.
Hơn nữa, tôi còn nhận được sự tài trợ dinh dưỡng khoa học và hợp lý với thời khóa biểu ăn, uống theo chế độ VĐV chuyên nghiệp từ lúc 5h sáng. Ví dụ như việc ăn nhiều thịt bò, không ăn thịt gà và uống sữa theo bữa như thế nào.
Mục tiêu sắp tới của Tú Chinh là gì?
Trước mắt tôi sẽ cố gắng bảo vệ tấm HCV nội dung 100m cho đoàn TP.HCM ở giải VĐQG.
Xin cảm ơn Tú Chinh!