Vì sao đô cử Olympic Hoàng Thị Duyên mất HCV cử tạ SEA Games 32?
Trả lời phỏng vấn sau phần thi 59 kg cử tạ SEA Games 32 chiều nay, Hoàng Thị Duyên đã rơm rớm nước mắt. Nó hằn chứa một phần thất vọng, một chút buồn và cả sự bực giận với bản thân khi chưa thể hiện tốt nhất phong độ, năng lực trong lần thứ 3 tham dự đại hội thể thao khu vực.
"Khi biết đối thủ là lực sỹ Philippines (Elreen Ando) cách đây 1 tháng, em cũng có phần lo lắng. Nhưng BHL đã xác định rõ tư tưởng cho em đó là khi bước vào mỗi cuộc thi không cần quá để ý đối thủ là ai, mà đầu tiên cần phải vượt qua chính mình nên em cũng không thấy áp lực", Hoàng Thị Duyên chia sẻ sau khi chỉ giành tấm HCĐ ở hạng cân cô đã vô địch SEA Games 2 kỳ liên tiếp và từng giành suất dự Olympic Tokyo.
--->>> Hoàng Thị Duyên đối đầu đô cử Olympic ở môn Cử tạ SEA Games
"Em nghĩ khi thất bại thì không lý do nào có thể bào chữa. Em mới trở lại sau chấn thương (đầu gối) dai dẳng gần 2 năm qua và hơn ai hết, HLV cùng BHL và các đồng đội hiểu rõ nhất em đã nỗ lực trong tập luyện như thế nào. Thua là thua và em không có lý do nào để giải thích".
"Hôm nay trở lại sàn đấu tấm lý của em vẫn chưa tốt và em khẳng định là mình đã không chiến thắng được bản thân. Thành tích trên sàn đấu cũng không phải là tốt nhất so với ngay cả khi tập luyện", Hoàng Thị Duyên thừa nhận.
Sự thực, ngay cả khi đạt mức tổng cử là 205 kg, vượt qua cả thành tích 204 kg từng giúp Hoàng Thị Duyên giành HCV SEA Games 31 đúng 1 năm trước, thì màn trình diễn của đô cử quê hương Lào Cai có vết gợn ngay từ đầu, khi cô thất bại ở lần cử giật đầu tiên mức 93 kg.
Điều này gieo vào đầu người quan tâm và hiểu biết môn cử tạ về hình ảnh Hoàng Thị Duyên luôn quân chặt băng gối, vật lộn với chấn thương và chưa bao giờ có được phong độ tốt nhất, sung mãn nhất về thể trạng như hồi 2019-2020.
Và sự thật, sau 6 lần nâng tạ thì chiều nay Hoàng Thị Duyên chỉ thành công đúng 1 lần cử giật (93 kg) và cử đẩy (112 kg). Nếu chỉ nhìn vào thành tích SEA Games trước, rõ ràng Duyên đã bảo vệ được tấm HCV. Nhưng cuộc chơi ở hạng 55 kg tại kỳ Đại hội này đã hoàn toàn khác với sự hiện diện của Elreen Ando.
Lực sỹ người Philippines cũng đã dự Olympic Tokyo và chừng đó đủ để khẳng định phẩm chất của cô. Còn tại SEA Games, 2 kỳ liên tiếp đã qua Ando đều chấp nhận HCB ở hạng 64 kg khi mà cử tạ Việt Nam có một Phạm Thị Hồng Thanh thi đấu quá xuất sắc.
Lần này, khi ép cân xuống đánh hạng 59 kg, Ando đã nhanh chóng tỏ rõ sự vượt trội. Cô không cần tới 2 lượt cử đẩy cuối, mà sau 3 lần cử giật cùng 1 lần cử đẩy đã xô đổ cả 3 kỷ lục mà Hoàng Thị Duyên thiết lập sau 2 kỳ SEA Games trước.
Đó là mức cử giật 98 kg (kỷ lục cũ 96 kg), cử đẩy 118 kg (116 kg) và tổng cử 216 kg (210 kg).
Như vậy, sau 2 ngày thi đấu, bên cạnh 2 tấm HCV của Lại Gia Thành (55 kg) và Trần Minh Trí (67 kg) thì cử tạ Việt Nam cũng đã chứng kiến những thất bại nặng nề, ngay cả với niềm kỳ vọng vàng như Hoàng Thị Duyên.
Việc duy trì thành tích 3 HCV như cách đây 1 năm ở SEA Games 31 vẫn là dấu hỏi, đặc biệt trong bối cảnh cử tạ Việt Nam còn "phân thân lực lượng" ngay tại SEA Games này để tham dự cả giải vô địch châu Á qua đó tìm suất dự Olympic Paris 2024.