HLV Vũ Ngọc Lợi: Ông thầy “nhà quê” và 10 lần lên bàn mổ
Ông thầy ngông nghĩ lớn, làm khác
Ở làng điền kinh Việt lâu nay, HLV 56 tuổi người Nam Định nổi tiếng là ngông, và chính ông cũng cho rằng điều đó hoàn toàn đúng, nếu xét trên cách nghĩ cách làm luôn khác biệt của mình.
Là dân chuyên toán của trường chuyên Lê Hồng Phong, chàng trai thành Nam thi đỗ vào 2 trường Đại học Ngoại thương và Thể dục thể thao với số điểm cao. Ông lại bất ngờ chọn theo nghiệp thể thao, điều mà ngay cả người thân cũng phản đối quyết liệt. Sang Liên Xô du học, khác với nhiều người tranh thủ tối đa làm thêm, kiếm thêm, ông chỉ mải mê với những cuốn giáo trình dày cộp, các phương pháp mới của cường quốc điền kinh thế giới. Đến nỗi kết thúc khóa học, ngoài tấm bằng loại ưu, vali chất đầy sách, ông “tay trắng” về nước.
Trong mấy chục năm làm thầy, dù ở Nam Định hay Quân đội, HLV Lợi cũng chỉ thích mảng phát hiện đào tạo VĐV trẻ nơi có thể chứng tỏ được cao nhất ý tưởng, dấu ấn, cũng như khai triển hiệu quả các phương pháp mới. Và ngay từ khi còn trẻ, ông đã luôn nuôi khát vọng lớn về những học trò vươn ra tầm quốc tế.
Khi nhận nhiệm vụ gây dựng đội điền kinh Quân đội hay dẫn dắt đội điền kinh quê nhà, ông đều đặt mục tiêu phải vượt lên nhóm dẫn đầu. Chính sự “lãng mạn” này khiến ông phải chấp nhận nhiều thất bại, không hẳn do khả năng mà bởi tư duy và điều kiện chung quá bất cập. Thế nhưng ông chưa bao giờ nản, thậm chí càng quyết tâm, nỗ lực hơn.
56 tuổi, 10 lần lên bàn mổ vẫn là số 1
Có thể không nổi đình đám với các thành tích trên các đấu trường, song HLV Vũ Ngọc Lợi “chẳng giống ai” đã tạo nên thành quả vô cùng giá trị, chính là nền tảng, mẫu hình phát triển đột phá cho Quân Đội, Nam Định và phần nào đó cả điền kinh Việt Nam. Đơn cử Nam Định, từ chỗ sa sút nghiêm trọng, qua 10 năm do ông cầm chịch với sự bền bỉ và cách làm rất riêng giờ đã trở lại vị thế thuộc nhóm dẫn đầu quốc gia.
Cũng bởi quá lao tâm khổ tứ với nghiệp điền kinh đến mức “phi thân” mà ông phải trả giá bằng những trận ốm nặng và đủ thứ bệnh trong người. Đến giờ, ông thầy già này đã từng 10 lần bước lên bàn mổ, với lần gần nhất là ca mổ tim giữa làn ranh sinh tử và luôn phải mang thuốc đặc dụng bên người.
Người khác có thể sợ còn ông Lợi vẫn luôn “xung phong” vì điền kinh Việt Nam, nhất là trước những nhiệm vụ gian khó. Trước thềm SEA Games 28, do vấn đề kinh phí, học trò “ruột” Nguyễn Thị Huyền đã lỡ chuyến xuất ngoại tập huấn quan trọng cũng không có chuyên gia ngoại. Ông thầy này không nề hà gì, nhận trực tiếp dẫn dắt Huyền tập luyện ngay tại địa phương với cam kết giành tối thiểu 1 HCV. Đây có lẽ là giai đoạn thăng hoa nhất trong nghiệp làm thầy của HLV Ngọc Lợi. Với kinh nghiệm dày dặn, những bài tập chuyên biệt đúng chuẩn quốc tế cùng các liệu pháp tâm lý đã hội tụ đỉnh cao, ông giúp cho cô học trò có nội lực, ý chí phi phàm có cuộc vượt ngưỡng thần kỳ.
Và cuộc đấu trên đất Singapore đã trở thành một sân khấu riêng vinh danh ông thầy 65 tuổi với trái tim trở chứng mà trước đó không mấy ai biết đến, khi Nguyễn Thị Huyền đoạt tới 3 HCV kèm 2 kỷ lục, 2 chuẩn Olympic. Càng ngọt ngào hơn bởi cậu học trò do ông phát hiện, đào tạo nên trước khi giao cho ĐTQG, Dương Văn Thái cũng giành một cú đúp HCV.