Cúp Chiến thắng 2015: Siêu kình ngư Ánh Viên thách thức tất cả
Ánh Viên vượt trội với 8 HCV, 8 kỷ lục SEA Games
Nhiều nhà chuyên môn đã đánh giá, chỉ với kỳ tích 8 HCV, phá 8 kỷ lục tại SEA Games 28 mà phía sau đó là một hiệu ứng chuyên môn, xã hội vô tiền khoáng hậu đã quá đủ để Ánh Viên vô đối ở bất cứ cuộc bầu chọn nào của TTVN. Xét thuần túy thành tích trên đất Singapore của tài năng 19 tuổi này cũng đã quá “khủng” bởi chị là 1 trong 3 gương mặt giành nhiều HCV nhất, đồng thời cũng là người phá được nhiều kỷ lục cá nhân nhất tại một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á.
Thành quả vô song của cô gái đất Tây Đô còn trải rộng và nâng tầm với hàng loạt kỳ tích khác, đơn giản nhất như 16 HCV tại giải VĐQG, hay cao vời vợi với việc lọt vào Top 10 giải VĐTG, đoạt 1 HCB và 2 HCĐ lịch sử tại Cúp Thế giới.
Nguyễn Thị Huyền “bay” cao trên đỉnh ĐNÁ
Trước đó gần như vô danh, cả năm chỉ tập huấn trong nước, dưới sự dẫn dắt của thầy nội, tuyển thủ quê Nam Định cũng tỏa sáng rực rỡ để trở thành VĐV điền kinh xuất sắc nhất tại SEA Games 28. Cô gái con nhà nghèo, mồ côi cha đã làm dậy sóng đường chạy Đông Nam Á khi đoạt liền 3 HCV kèm theo 2 kỷ lục ở các nội dung 400m, 400m rào và tiếp sức 4x400m nữ.
Trong đó, đáng chú ý, Huyền cũng là VĐV Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công chuẩn Olympic, thậm chí còn đạt tới 2 chuẩn, ngay tại đấu trường khu vực. Và kỷ lục gia này cũng là đại diện chính thức duy nhất của môn này tại giải điền kinh VĐTG.
Bộ sưu tập huy chương của Huyền còn có thêm một điểm nhấn quan trọng với 1 ngôi đầu ở giải điền kinh Asian Grand Prix.
Hà Thanh cùng hat-trick HCV của ý chí
Sau 4 năm liên tục ngự trị trên đỉnh cao quốc tế, nổi bật với tấm HCĐ thế giới 2011 và 1 HCĐ, 1 HCB ASIAD 2014, phong độ của ngôi sao người Hải Phòng đã sa sút đáng kể. So với đẳng cấp vốn có, một cú hat-trick HCV tại SEA Games 28 của Phan Thị Hà Thanh khá khiêm tốn.
Tuy nhiên, nếu đặt vào tình cảnh luôn phải vật lộn với đủ loại chấn thương dai dẳng mới thấy ý chí và sự bền bỉ của Thanh phi thường đến mức nào. Thanh đã đoạt 3 HCV với cái đầu gối băng kín, phải tiêm thuốc giảm đau, và thể lực suy kiệt vì những cơn đau cùng chứng mất ngủ kéo dài.
Cô gái bé nhỏ, chỉ được đào tạo hoàn toàn trong nước với ý chí, khát khao và sự khổ luyện cao độ này đã minh chứng thuyết phục cho khả năng vươn tới đỉnh cao quốc tế bằng chính nội lực.
Vương Thị Huyền “giật” 2 ngôi đầu châu Á
Chính gương mặt lạ hoắc này đã “cứu” cho môn trọng điểm cử tạ khỏi một năm thảm bại khi giành 2 HCV tại giải vô địch châu Á. Đô cử người Hà Nội trước đó chưa từng có thành tích quốc tế nào đã làm đảo lộn cuộc đấu hạng 48kg nữ bằng một tinh thần quyết thắng cùng các mức tạ liên tiếp được nâng cao và thực hiện thành công một cách đáng kinh ngạc.
Không chỉ vượt lên chính mình mà Huyền còn đẩy cả 2 ứng viên hàng đầu Huang Yuezhen (Trung Quốc) và Khamsri Panida (Thái Lan) vào thế bị động. Lực sĩ trẻ Việt Nam đã lên ngôi ở nội dung cử giật và nội dung sáng giá nhất là tổng cử với 190kg. Đây là sự khởi đầu như mơ cho nghiệp đấu quốc tế của đô cử mồ côi mẹ.
Nguyễn Thị Thật với tấm HCV “3 trong 1” đặc biệt
Cua-rơ nữ số 1 Việt Nam chỉ có 1 tấm HCV tại SEA Games 28, song đó lại là chiến tích vô cùng đặc biệt của chị. Ở nội dung cá nhân đường trường nữ, Thật tưởng như đã phải khóc hận khi bị đối thủ người Thái Jutatip Maneephan chơi “đòn bẩn” cố tình chèn tuyển thủ quê An Giang ngay trước vạch đích để cán đích đầu tiên.
Với phản ứng quyết liệt của đoàn Việt Nam, cùng hình ảnh ghi lại, cuối cùng tấm HCV đã được trao trả về cho chủ nhân xứng đáng Nguyễn Thị Thật. Với chị, chiến quả đó thực sự giống như một tấm HCV “3 trong 1”: 1 của bản thân, 1 của sự công bằng và 1 dành cho người em gái Nguyễn Thị Thà đã phải giải nghệ vì gặp tai nạn thảm khốc trên đường đua.
Rất kỳ thú, vì cả 5 ứng viên của hạng mục “Nữ VĐV của năm” đều đến từ các môn Olympic, đang ở lứa tuổi trẻ với tương lai đầy hứa hẹn phía trước. Ngoại trừ Phan Thị Hà Thanh (sinh 1991), 2015 có thể coi như năm đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Nguyễn Thị Huyền (1993), Nguyễn Thị Thật (1993), Nguyễn Thị Ánh Viên (1996) và Vương Thị Huyền (1992).
Cám ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng Giải thưởng Cúp chiến thắng:
- Công ty TNHH URC Việt Nam với nhãn hàng trà chanh C2
- Tổng công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội
- Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông - VNPT Technology
- Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc gia với nhãn hàng Alcohol Doctor
- Công ty Cổ phần truyền thông Ánh Mặt Trời Vàng - Goldsun Framedia