HLV cầu lông Phạm Văn Vũ - “Lò” đào tạo cấp thôn, học trò đẳng cấp quốc tế Vũ Thị Trang
Khi Vũ Thị Trang tranh tài ở Olympic Rio, có một ông già ở một vùng quê nghèo của tỉnh miền núi Bắc Giang vẫn đang lặng lẽ dõi theo từng bước đi của chị: HLV Phạm Văn Vũ. Đây chính là người thầy đầu tiên của Trang, qua 27 năm bền bỉ đã tạo nên một “lò” cầu lông cấp thôn với những học trò đẳng cấp quốc gia, thậm chí quốc tế.
26 năm “nuôi” giấc mơ sau lũy tre làng
Sinh năm 1960, cựu chiến binh Văn Vũ chính là người đầu tiên biết chơi và chơi giỏi cầu lông ở địa phương, thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1989, ông đã quyết định mở một sân cầu lông ngay tại nhà mình để đón các cháu đến tập cùng. Thậm chí, dù nhà rất khó khăn song ông còn dốc hết cả số tiền tích lũy được mua vợt, cầu rồi cả giày để mọi người có thể cùng nhau sử dụng.
Số lượng người chơi tăng nhanh, sớm đi vào nề nếp, ông Vũ tiếp tục mạnh dạn san vườn, lát gạch làm sân cầu lông. Không ít người lúc ấy bảo “ông này hâm rồi”, nhưng ông không quan tâm. Rồi chính vợ ông cũng phản đối ra mặt, dù hiểu tính chồng nên rồi cũng mặc kệ. Kể từ đó, đều đặn có vài chục em đến đây học, chơi mỗi ngày do ông Vũ trực tiếp hướng dẫn.
Chỉ xác định tập cho vui, khỏe mạnh song đầu những 1990, khi ngành thể thao Bắc Giang gây dựng cầu lông, nghe tiếng tìm về đây để xem sao. Họ bất ngờ về tố chất cùng sự bài bản ban đầu của quân thầy Vũ, rồi chọn luôn được vài em đưa vào lớp năng khiếu. Đáng nói hơn, quân Cầu Chính đều đã phát triển tốt, có người còn sớm vươn lên hàng đầu quốc gia, tiêu biểu như tuyển thủ Vũ Thị Hải Yến. Từ đó, các nhà quản lý thể thao tỉnh đã “đặt hàng” luôn ông mở một lớp cầu lông năng khiếu, hình thành một chân rết quan trọng. Các cháu nhỏ tham gia lớp học ông không thu bất cứ loại phí nào, gia đình nào khá giả tự chuẩn bị cầu và vợt cho con em, còn không ông mua vợt và cầu cho các cháu học. Thậm chí, ngoài chuyên môn, ông còn tận tình chỉ dạy cho các cháu bằng cách nêu gương, bằng những câu chuyện cụ thể, thiết thực. Ngày nào ông cũng bỏ ra vài tiếng đồng hồ để dạy toán, rồi giải đáp các thắc mắc về tri thức, văn hóa cho các cháu, với mục tiêu quân Cầu Chính, dù có thành VĐV hay không, vẫn sẽ là những người toàn diện.
Phải tới mấy năm gần đây, tỉnh Bắc Giang mới hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng để ông đào tạo các VĐV tiềm năng cho tỉnh.
Người thầy đầu tiên của Vũ Thị Trang
Lò đào tạo nơi thôn quê của thầy Vũ đã được “nở mày nở mặt” khi Vũ Thị Hải Yến tỏa sáng tại các đấu trường quốc nội, với hàng loạt huy chương các loại, nhiều năm đóng vai chính ở ĐTQG từ cuối thập niên 1990.
Cũng chính từ đây, cô em gái ruột của Yến là Vũ Thị Trang đã tiếp bước đúng con đường của chị một cách vô cùng xuất sắc. Cũng như hầu hết trẻ em ở Cầu Chính, Trang mê cầu lông từ nhỏ, mới 7 tuổi đã được cha đưa đến lớp của thầy Vũ xin theo học. Chỉ mất đúng 2 năm, Trang đã được đôn lên tuyến năng khiếu của tỉnh, rồi liên tục có những bước tiến thần tốc. Thêm 3 năm nữa, mới 12 tuổi Trang đã có mặt ở ĐT trẻ QG tập huấn dài hạn tại Đà Nẵng. Đến giờ, ở tuổi 24, chị đã trở thành tay vợt nữ số 1 Việt Nam từng 2 lần đoạt huy chương SEA Games, lọt vào Top 40 thế giới. Đặc biệt, Trang đã lần đầu giành suất dự tranh Olympic và đang tranh tài tại Rio, bên cạnh người đồng đội, bạn trai nổi tiếng Nguyễn Tiến Minh.
Cùng với Trang và chị gái, “lò” thầy Vũ còn sản sinh ra 2 tuyển thủ quốc gia khác là Nguyễn Thị Sen và Hà Thị Thu Thảo. Trong đó, Sen là người đánh cặp đôi ăn ý nhất với Trang, cũng là bạn hàng xóm, nhà chỉ cách nhau mấy trăm mét. Hiện tại, có 14 học trò của thầy Vũ đang được đào tạo tại tuyến năng khiếu của ngành thể thao, trong giấc mơ và quyết tâm trở thành những Tiến Minh và Vũ Thị Trang mới.
Mời các bạn đón xem câu chuyện vềthầy Phạm Văn Vũ trên chương trình Giấc mơ thể thao phát sóng trên kênh Thể Thao Tin Tức HD
Chương trình đã gửi tặng 5.000.000 đồng đến thầy Vũ, Quý bạn đọc quan tâm muốn hỗ trợ có thể gửi về:
Tên TK: Nguyễn Thị Thục (vợ thầy Vũ)
STK: 0109158105
Tại Ngân hàng Đông Á- Chi nhánh Lạng Giang