Lặng người cùng lễ tưởng niệm hơn 23.000 người rời cõi tạm vì COVID-19
20h00 đêm nay, lễ tưởng niệm sẽ diễn ra ở Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) cùng các hoạt động tưởng niệm diễn ra trên khắp mọi miền cả nước. Tất cả cùng lắng lòng để mong cầu sự siêu thoát cho đồng bào không may rời xa cõi tạm vì dịch bệnh quái ác.
Họ đã lặng lẽ ra đi, không người thân tiễn đưa, không mai táng và không thể theo truyền thống của người Việt Nam. Họ là những phận đời thiếu may mắn. Đợt dịch thứ 4 đã đặt ngành y tế vào những ngày tháng thách thức chưa từng có trong lịch sử.
Đã có hơn 23.000 người ra đi, riêng TP.HCM với hơn 17.000 người. Đến nay, 50/63 tỉnh thành ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19. Ngày đỉnh điểm, con số tử vong lên đến hơn 390 ca.
Hình ảnh đau thương, rớt nước mắt hiện hữu với những đứa bé mất mẹ, mất cha; trẻ sơ sinh vừa mới chào đời đã không còn nghe tiếng ru của mẹ; có cả người mất đến 8 người thân. Đó là sự mất mát quá lớn.
Cả đất nước đều đang chung tay để chống dịch. Hàng ngàn nhân lực được chi viện khắp cả nước, hàng ngàn người tình nguyện xông pha lên tuyến đầu. Tiền tuyến nỗ lực từng phút, từng giây để cứu lấy sinh mạng, hậu phương xắn tay áo chung tay cùng chính quyền giải quyết bài toán an sinh cho nhân dân.
Tất cả đều hối hả, khẩn trương, tranh thủ những thời khắc lịch sử này để đẩy lùi dịch bệnh. COVID-19 để lại nỗi đau quá lớn cho nhân loại. Và thể thao cũng không ngoại lệ.
Hai năm qua, cụm từ “hoãn”, “hủy” quá đỗi quen thuộc với ngành thể thao, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Mọi giải đấu đều bị tác động lớn. Hàng trăm giải thay nhau hoãn, hủy trong sự tiếc nuối, bàng hoàng của giới thể thao.
Người dân mất đi những món ăn tinh thần, vốn đã quá quen thuộc trong thời gian dài trước đó. Nó đặt các VĐV vào tình thế quá nan giải. Chưa bao giờ, họ phải “bế quan tỏa cảng” trong một thời gian dài đến thế. Cuồng chân, cuồng tay, cuồng cả đầu óc. Tất cả đều bí bách vì phải ở một chỗ quá lâu.
Các VĐV bơi lội, vốn đặc thù tập luyện dưới nước, cũng phải thích ứng quen với điều kiện tập “chay” trên cạn. Thay vì được huấn luyện trực tiếp, họ phải quen với các bài tập từ online.
Nhớ sàn thi đấu đến nỗi, đội cử tạ phải tự tổ chức giải nội bộ với đầy đủ các ban bệ như một giải đấu chính thức. Đội đua thuyền buộc phải tập các bài trên cạn trong bối cảnh cách ly dài ngày trong các khu cách ly tập trung. Hay như đội cử tạ “dở khóc dở cười” hai phải liên tiếp cách ly, ảnh hưởng đến quá trình tập luyện, chuẩn bị cho Olympic.
Họ phải xa gia đình trong thời gian dài. Bố mẹ mấy tháng không gặp con. Con mấy tháng chưa về thăm bố mẹ. Bài toán về chuyên môn lẫn tinh thần đặt thể thao Việt Nam vào sức ép khủng khiếp.
Và cũng giống như cả xã hội, câu chuyện thu nhập khiến họ trăn trở. Đối với các VĐV, thu nhập phần lớn dựa vào tiền thưởng từ thành tích thi đấu ở các giải. Thế nhưng, hết giải quốc tế đến giải trong nước hoãn, hủy, họ phải đành chấp nhận thực tế phải trông cậy vào lương.
Đến khi thế giới dần tìm ra cách ứng phó với đại dịch, thể thao có cách để thích ứng. Nguyên tắc “bong bóng khép kín” được đưa ra ở tất cả giải đấu. Điều này giúp các VĐV dần trở lại với nhịp thi đấu quen thuộc. Thế nhưng, trong hơn 4 tháng qua, các giải đấu ở trong nước đều “đóng băng”.
Chỉ số ít các môn được thi đấu quốc tế. Nhưng, đó lại là cơ hội cho các VĐV thành tích cao, các VĐV trẻ không có nhiều may mắn đó. TDDC là môn hiếm hoi “dám” cử cả một đội quân trẻ đi thi đấu ở giải quốc tế để tích lũy kinh nghiệm, làm bàn đạp cho tương lai.
Cả thế giới đang nỗ lực từng ngày để đẩy lùi dịch bệnh. Đó là câu chuyện ở tương lai. Thời điểm này, tất cả đều phải thích ứng, sống chung với dịch. Tác động của COVID-19 quá lớn với mọi ngành nghề trong xã hội.
Đau thương đến tột cùng nhưng ánh sáng đang dần lóe lên. Thứ ánh sáng đó sẽ được thắp lên từ hàng triệu ngọn nến trong đêm nay, để nguyện cầu cho đồng bào ra đi vì dịch và để nhen nhóm ước mơ, một ngày không xa, dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt!!!