VĐV cờ khuyết tật Phạm Thị Hương -Nhạc công, kỳ thủ & hành trình 33 năm vượt bóng tối

thứ tư 29-6-2016 15:44:04 +07:00 0 bình luận
33 năm không nhìn thấy ánh sáng, người phụ nữ mù lòa quê Thái Nguyên đã không khuất phục trước sự nghiệt ngã của số phận, vươn lên trở thành một cử nhân đại học, một nhạc công đặc biệt và một kỳ thủ khiếm thị hàng đầu Đông Nam Á.

33 năm không nhìn thấy ánh sáng, người phụ nữ mù lòa quê Thái Nguyên đã không khuất phục trước sự nghiệt ngã của số phận, vươn lên trở thành một cử nhân đại học, một nhạc công đặc biệt và một kỳ thủ khiếm thị hàng đầu Đông Nam Á.   

Sinh năm 1983, một dị tật bẩm sinh quái ác đã khiến cô bé xinh tươi, đáng yêu vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Hương lớn lên trong nỗi đau buồn của bản thân cùng cả gia đình, với một cơ thể nhỏ yếu và thường xuyên đau ốm. Điều an ủi duy nhất cho bố mẹ chính là Hương sớm bộc lộ sự thông minh, nhanh trí và giọng hát hay hiếm có. Đó là lý do để bố mẹ dù điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn vẫn quyết tâm gửi cô con gái xuống Hà Nội học trường Trẻ em Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Mười ba tuổi, Hương bắt đầu cuộc sống gần như hoàn toàn tự lập tại Hà Nội. Ngoài nỗi nhớ nhà, sự bỡ ngỡ với môi trường học tập mới, Hương phải học cách tự chăm sóc và chủ động trong những sinh hoạt thường ngày của mình. Nhưng chính những thử thách lớn, nhỏ đủ loại ấy đã giúp Hương vững vàng hơn trong cuộc sống sau này.  

Phạm Thị Hương - bạn nữ đeo kính, trán cao đứng thứ 4 từ phải sang

Chín năm học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, ba năm học tại trường THPT Thăng Long, Hương luôn là học sinh giỏi toàn diện. Ngoài giờ học chính khoá, cô còn tham gia lớp học phụ đạo đàn tranh và luôn là một trong những cây văn nghệ xuất sắc của nhà trường. Càng may mắn hơn vì  Hương còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nghệ sĩ Piano Tôn Thất Chiêm. Chính thầy là người đã giúp Hương trưởng thành hơn về mặt giọng hát cũng như phong cách biểu diễn, được khẳng định qua những bài hát mang âm hưởng dân ca như “Mẹ yêu con”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” …

Cuối tháng 8/2008, Hương được tuyển thẳng vào ĐH Sư phạm Hà Nội, Khoa giáo dục đặc biệt.. Với giọng ca ngọt ngào, Hương đã gây ấn tượng mạnh đối với khán giả ngay trong đêm văn nghệ Chào tân sinh viên K.58 do ĐHSP Hà Nội tổ chức. Hình ảnh Hương xuất hiện trên sân khấu cùng với cây đàn tranh đã trở nên hết sức quen thuộc với các khán giả của ĐHSP Hà Nội và những người yêu mến. Chị từng tham dự đoàn nhạc công khiếm thị Việt Nam đi biểu diễn tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Bằng tình yêu đối với âm nhạc dân tộc, Hương cùng với những người bạn của mình đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của các chuyến lưu diễn, góp phần tích cực vào việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam, cũng như chứng tỏ sức vươn phi thường của những người khuyết tật.

Cái duyên cờ đến với Hương bất ngờ từ 2006, khi đội cờ khiếm thị Hà Nội bắt đầu được gây dựng, qua sự giới thiệu của các thầy ở trường Nguyễn Đình Chiều. Chưa có ý niệm gì về môn cờ, lại phải tập luyện loại hình siêu khó đối với người mù, hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng, Hương tưởng như phải bỏ cuộc vì mỗi một buổi tập giống như một cuộc đày ải trí óc. Dù luôn quyết tâm nỗ lực hết mức song có tới nửa năm, chị vẫn chưa thể thực hiện nổi một ván cờ cơ bản trong đầu. Thế nhưng, cuối cùng với sự bền bỉ khó tin đã giúp Hương vượt qua giai đoạn thử thách ban đầu để không chỉ “làm chủ” luật lệ, cách chơi mà còn phát huy tốt sự thông minh, sáng tạo của mình.  

Phạm Thị Hương - ở bục hạng nhất

Bảy năm trở lại đây, Hương luôn là kỳ thủ số 1 Việt Nam ở nội dung B1 (không nhìn thấy gì) của mình, với 5 chức vô địch quốc gia, trong đó có 3 lần liên tiếp. Đáng nói hơn, chị còn vươn ra chinh phục các đỉnh cao quốc tế, với 1 HCB, 1 HCĐ tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á. Ngoài một buổi tập mỗi ngày cùng với đội cờ Hà Nội, việc luyện cờ giống như một thói quen, niềm đam mê mà Hương luôn tranh thủ tận dụng bất cứ khi nào có thời gian.

Có thể thấy, đến giờ, nhạc công, cô giáo và kỳ thủ Phạm Thị Hương đã vượt lên chiến thắng bi kịch cuộc đời và sự nghiệt ngã của số phận. Chỉ có điều, đó vẫn đang là một cuộc chiến không ngừng nghỉ, với muôn vàn gian khó bủa vây.

Hiện tại, Hương vẫn đang ở nhà trọ, phải tự mình lo toan với chuyện mưu sinh hàng ngày. Giấc mơ được làm một cô giáo dạy cờ vua, âm nhạc tại một trường học dành cho đối tượng khiếm thị, khuyết tật của Hương chưa biết bao giờ mới thành hiện thực. Hương từng tràn đầy hy vọng khi được một trường học nhận vào làm giáo viên hợp đồng song mới đây lại phải nghỉ việc vì nhà trường cắt giảm nhân sự.  

Mời các bạn đón xem câu chuyện đời thực của Phạm Thị Hương trên chương trình Giấc mơ thể thao phát sóng trên kênh Thể Thao Tin Tức HD, trong clip dưới đây:

>

Mã nhúng

Link ảnh đại diện

Chương trình đã gửi tặng 5.000.000 đồng đến Hương, Quý bạn đọc quan tâm muốn chia sẻ có thể gửi về:

Tên TK: Pham Thi Huong

Số TK: 19027804666016

Techcombank - chi nhánh Đông Đô 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội