Cristiano Ronaldo: Lợi thế thành điểm yếu
Qua lăng kính khoa học, một cuộc nghiên cứu được thực hiện hơn 1 năm trước bởi nhà tâm lý học Mark S. Allen thuộc trường Đại học South Bank London và Marc V.Jones của trường Đại học Staffordshire đã cho kết quả ủng hộ cái gọi là “lợi thế sân nhà”.
Cuộc nghiên cứu cho thấy đám đông CĐV cuồng nhiệt không chỉ tác động tích cực lên tâm lý vận động viên nhà mà thậm chí còn chi phối đến quyết định của các trọng tài. Và những cuộc nghiên cứu bổ sung khác chỉ ra các vận động viên thường có hàm lượng testosterone – hormone gây hưng phấn – cao hơn đáng kể trước mỗi trận được chơi trên sân nhà.
Tuy nhiên chơi trên sân nhà không phải không có bất lợi. Cuộc nghiên cứu cho biết cơ thể vận động viên sẽ có hàm lượng cortisol – hormone gây căng thẳng – cao hơn trên sân nhà vì áp lực phải thành công. Trong sức ép lớn, vận động viên có xu hướng không kiểm soát được hành động và dẫn đến hiệu quả tồi – hiện tượng thường được gọi là “nghẹt thở”.
Và nói theo ngôn ngữ khoa học, hàm lượng cortisol trong Ronaldo tăng thì hàm lượng testosterone của thủ thành Malaga Kameni cũng tăng. Đôi găng người Cameroon đã có một trận đấu hưng phấn, khiến mọi nỗ lực của các cầu thủ Real Madrid trở nên vô vọng.
Tuy nhiên thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, cảm xúc luôn lấn át lý trí. Dư luận không quan tâm Ronaldo bị tăng cortisol mà bỏ lỡ vô số cơ hội. Họ chỉ nhìn vào những cú dứt điểm vô duyên đến ngạc nhiên của tiền đạo này và đặt dấu hỏi, bất chấp tình trạng “tịt ngòi” của CR7 vừa mới xảy ra.
Nhưng đó là một phần của cuộc chơi và Ronaldo hay bất cứ cầu thủ nào khác đều chấp nhận. Cũng giống như trong công việc hàng ngày, sếp không cần biết bạn vì những nguyên nhân khách quan không hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Thất bại là thất bại!
Q. Nguyên