Villarreal có ông chủ tuyệt vời hơn cả tỷ phú Vichai
Villarreal đã không thể vượt qua Liverpool để lần đầu tiên góp mặt ở trận chung kết của các Cúp châu Âu, đồng nghĩa không thể vượt qua ngưỡng bán kết Europa League mà họ từng đạt được. Bởi cho tới nay, thành tích tốt nhất của chủ sân El Madrigal chỉ là ngôi Á quân La Liga và 4 lần đá bán kết của Champions League và Europa League, chưa kể thành công vài lần ở vòng đấu cuối của Intertoto Cup.
Đối với đội bóng đã 93 năm tuổi và bước vào hệ thống thi đấu của bóng đá TBN từ năm 1947, việc từng là Á quân La Liga và đã 5 lần đá bán kết Champions League và Europa League chưa thể giúp họ nâng lên một tầm khác, vẫn bị đánh giá là một đội bóng hạng trung của cựu lục địa. Nhưng ánh mắt nhìn Villarreal ắt hẳn rất khác nếu biết rằng cho tới cuối thập niên 90, sân chơi của “Tàu ngầm vàng” hoàn toàn là các giải vùng, Hạng Ba rồi Hạng Nhì TBN. Phải tới mùa 1998/99, Villarreal mới được lần đầu tiên góp mặt ở La Liga.
Và dù rớt hạng ngay mùa bóng lịch sử ấy, “Tàu ngầm vàng” trở lại ngay lập tức để cho đến nay mới lại chỉ vắng bóng ở La Liga thêm đúng 1 mùa. Quan trọng không kém là trong thế kỷ này, Villarreal thường xuyên là đại diện cho TBN tại Champions League cùng Europa League và mới có 3 lần đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng.
Đấy không phải là thành công nhất thời như Leicester. Vì vậy, đừng bất ngờ nếu tới thăm ngôi làng nhỏ ở Vila Real để hỏi về bí mật dẫn tới thành công của Villarreal, câu trả lời từ nhiều người tại đây không phải là các HLV như Marcelino hoặc những ngôi sao sân cỏ như Juan Román Riquelme ngày trước hoặc Jonathan Dos Santos, Denis Suarez, Eric Bailly và Cedric Bakambu ở mùa này. Đáp án chung là một cái tên lạ hoắc trong giới “quần đùi, áo số”: Fernando Roig. Nhưng trên thương trường, rất nhiều người biết ngài tỷ phú TBN bắt đầu đầu tư vào Villareal năm 1997.
Kế hoạch của Fernando Roig đầy khát vọng mà cũng rất giản đơn: Đưa Villarreal gia nhập hàng ngũ các CLB hàng đầu TBN, nghĩa là được dự La Liga. Trong tròn nửa thế kỷ trước đó, đấy là giấc mơ xa xỉ của chủ sân El Madrigal cùng 50.000 người dân ở thị trấn. Nhưng Fernando Roig đã chứng tỏ chỉ cần quyết tâm thì chuyện gì cũng đều có thể xảy ra.
Bởi ngay mùa đầu ông đến El Madrigal, Villareal đã đứng thứ 4 giải Hạng Nhì 1997/98 để giành quyền dự La Liga lần đầu trong lịch sử. Và không như các đội bóng nhỏ thường cảm thấy mặc nhiên cần có nhiều mùa thích ứng với các sân chơi lớn nhất, “Tàu ngầm vàng” sảng khoái công kích ngay vào những vị trí cao nhất ở La Liga, Champions League và Europa League. Thậm chí đầu mùa này, lần đầu tiên trong 93 năm tồn tại, Villarreal từng vươn lên tạm dẫn đầu La Liga được 2 vòng.
“Villarreal là hình mẫu để làm thế nào tổ chức và điều hành một CLB nhỏ thành công dựa vào người chủ có suy nghĩ cấp tiến”, một chuyên gia nghiên cứu tài chính trong bóng đá của đại học Sheffield Hallam nhận xét, “Tất cả dựa vào nỗ lực xây dựng nền móng vững chắc trong mấy năm qua bằng cách đầu tư vào tài năng trẻ, phát triển học viện, quan hệ với cộng đồng để kinh doanh…”.
Hệ quả là ngày nay, Villarreal đang có hệ thống săn tài năng trải rộng khắp thế giới cùng 2 khu phức hợp hoành tráng với địa điểm đầu có 9 sân tập cùng các cơ sở vật chất thuộc loại hàng đầu dành cho các đội trẻ và học viện và địa điểm mới hoàn tất năm ngoái có 12 sân cùng các cơ sở vật chất tương tự đủ để phục vụ cho khoảng 1.500 cầu thủ trẻ hàng tuần.
Điều thú vị là sự trỗi dậy của Villarreal từng gây hoài nghi về tình hình tài chính của CLB, vì nhiều thành viên của La Liga đang nợ như “Chúa Chổm”. Bất chấp mọi nỗ lực của các đội, khoản nợ thuế từ 650 triệu euro năm 2013 đến năm trước vẫn còn tới 317 triệu euro. Còn nếu gộp chung đủ loại nợ, La Liga đang còng lưng gánh 2,675 tỷ euro.
Tuy nhiên, Villarreal là ngoại lệ. Như năm ngoái, họ thu vào 76 triệu euro và chi ra 71 triệu euro. Con số ấy có lẽ không đáng kể nếu so với Real Madrid và Barcelona, song vấn đề là đủ để Villarreal không dính nợ nần. Và cũng nhờ đó, “Tàu ngầm vàng” không rơi vào hoàn cảnh phải bán “sao” nhằm tồn tại. Fernando Roig khẳng định: “Chúng tôi chi tiêu từ khoản tiền kiếm được. Không vung tay quá trán. Villarreal từng có vài mùa bị lỗ, nhưng chúng tôi tự giải quyết được khó khăn. Chúng tôi có quan điểm riêng để tìm kiếm thành công”.
Phần nào của chiến lược ấy là mua rẻ và bán đắt.Villarreal từng hốt bạc khi bán Luciano Vietto, Giovanni Dos Santos, Gabriel Paulista, Santi Cazorla, Diego Forlan… và mua Cedric Bakambu, Denis Suarez, Alphonse Areola… với giá hời. Tuy nhiên, chính sách ấy không giống Arsenal ở Premier League.
Fernando Roig giải thích: “Chúng tôi không bán cầu thủ, trừ phi đó là tình huống bất khả kháng. Chúng tôi không chấp nhận biến động nhân sự để kiếm lời. Chẳng qua là đôi khi, cầu thủ của Villarreal nhận được những mời chào không thể từ chối, nên chúng tôi không thể cản họ ra đi. Chúng tôi có chủ kiến, nhưng phản ứng linh hoạt với cái nhìn phóng khoáng. Chẳng hạn, Villarreal sẽ không mua bất cứ tiền vệ trung tâm nào trong 8 năm tới do chúng tôi có thừa mẫu cầu thủ giỏi ở vị trí này trong đội 1 và trong các tuyến trẻ”.
Còn giờ đây, Villarreal nói chung và Fernando Roig nói riêng có mục tiêu nào không? Sau khi “Tàu ngầm vàng” cầm chắc suất dự Champions League mùa sau, người hùng thầm lặng của họ tuyên bố: “Chúng tôi hài lòng khi trở lại Champions League. Từ lúc thăng hạng lần nữa năm 2013, chúng tôi đã dự Europa League 2 mùa liền nên muốn thay đổi”. Nhưng rõ ràng, thay đổi ấy sẽ càng tuyệt vời hơn khi Villarreal tạm chia tay Europa League bằng ngôi vô địch đầu tiên trong lịch sử. Đoạn kết kiểu đó rất hợp với Villarreal thời của Fernando Roig, CLB tuy nhỏ, song sẵn sàng làm chuyện lớn.