Án phạt 2 năm của Sharapova: Nặng hay nhẹ?
Đang có nhiều ý kiến cho rằng án phạt dành cho Sharapova là quá nặng, song không phải vô cớ mà Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) đưa ra quyết định như vậy.
Sau khi phải nhận án phạt cấm thi đấu 2 năm của ITF vì dương tính với chất cấm meldonium tại Australian Open 2006, tay vợt người Nga Maria Sharapova đã lập tức phản kháng mạnh mẽ và nói rằng đó là phán quyết quá bất công và khắc nghiệt.
Tuy nhiên, tập tài liệu dài 33 trang kể về quá trình điều tra do một Tòa án độc lập (được ITF lập ra) đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy, đây là một quyết định xác đáng nói rằng "Sharapova là người duy nhất chịu tránh nhiệm cho sự bất hạnh của mình".
Giữ bí mật và tự ý sử dụng thuốc
Năm 2005, Sharapova bắt đầu làm việc với bác sĩ Anatoly Skalny, người đã kết luận rằng “bệnh nhân” của mình bị rối loạn trao đối một số chất khoáng, thiếu chất dinh dưỡng, từ đó làm giảm sức đề kháng.
Nhằm“tăng sức đề kháng” cho Sharapova, Skalny đã kê tổng cộng 18 loại thuốc, bao gồm meldonium (tên gọi khác là mildronate). Năm 2016, Sharapova bắt đầu sử dụng đơn thuốc hỗ trợ này, trong đó, mildronate chỉ sử dụng theo từng đợt (7-14 ngày). Cần nói thêm rằng vào thời điểm đó, mildronate chưa bị coi là chất cấm.
Mọi thứ diễn ra bình thường cho đến tháng 3/2010, đơn thuốc của tay vợt người Nga tăng từ 18 lên 30 loại. Đối với các VĐV thể thao nói chung, việc sử dụng thuốc và chất bổ không phải là điều xa lạ. Tuy nhiên, việc tăng số lượng lớn, tới 30 loại thuốc khác nhau, thực sự là điều bất thường.
Cuối năm 2012, Masha chia tay bác sĩ Skalny và hợp tác với một chuyên gia dinh dưỡng khác. Đáng nói ở chỗ, Sharapova vẫn tiếp tục sử dụng 3 loại thuốc là magnerot, riboxin, mildronate, được Skalny kê trước mà không tham khảo ý kiến của bất kỳ ai.
Nói cách khác, ngoại trừ người đại diện Max Eisenbud và bác sĩ của ĐT Olympic Nga, Sergei Yasnitsky, không một ai trong đội ngũ, kể cả HLV, người đánh tập, chuyên gia dinh dưỡng, HLV thể lực, biết cô sử dụng meldonium. Sharapova giải thích rằng, cô không tiết lộ vì họ không hỏi?!
Chưa hết, khi được hỏi vì sao tự ý sử dụng meldonium, Sharapova nói rằng cô tin nó sẽ giúp “bảo vệ tim mạch và chứng thiếu magiê”. Tuy nhiên, những bằng chứng chỉ ra rằng, Sharapova chưa từng có một cuộc thảo luận với bác sĩ cũ Skalny về một loại thuốc chi tiếp nào. Đó là chưa kể, tay vợt 29 tuổi tiếp tục sử dụng mildronate mà không hỏi ý kiến của bất kỳ ai.
Che giấu việc sử dụng meldonium
Theo yêu cầu tại mỗi buổi kiểm tra doping, các tay vợt phải công khai những loại thuốc mình sử dụng trong vòng 7 ngày trước đó. Sharapova đã liệt kê rất nhiều dược phẩm và chất bổ, nhưng tuyệt nhiên không có dòng nào nhắc đến meldonium.
Bản “cáo trạng” cho biết, phát hiện một lượng lớn meldonium trong mẫu thử của Sharapova tại Wimbledon và WTA Finals 2015, trong khi ở cả 5 trận đấu tại Australian Open 2016, 500 mg loại thuốc này được tay vợt sinh năm 1987 uống đều đặn trước mỗi trận đấu. Tất cả đều không được Sharapova kê khai như yêu cầu.
Sau đó, Sharapova giải thích rằng cô tưởng chỉ cần liệt kê những loại thuốc mà cô dùng hằng ngày, còn những loại khác “không quá quan trọng” (có mildronate) thì không cần phải viết ra, vì có thể khiến danh sách trông quá dài.
Mặc dù vậy, Tòa án đã bác bỏ lời bào chữa này của cô:
“Thực tế, tại Wimbledon 2016, Sharapova đã sử dụng mildronate 6 lần trong 7 ngày, còn ở Australian Open 2016 là 5 lần trong 7 ngày. Trong các bản kê khai, cô ấy đã tiết lộ rất nhiều loại chất đã dùng như vitamin C, Mega 3, Melatonin, Veramyst, Biofenac và Voltaren. Nhưng trong phần lớn trường hợp, cô ấy chỉ thông báo 2 trong số tất cả những loại chất trên cho mỗi bản kê khai. Vì vậy, danh sách không thể dài nếu như Sharapova có thêm Mildronate.
Những từ ngữ trong bản kê khai là rất rõ ràng và không có lý do nào để hiểu nhầm. Sharapova chắc chắn biết rõ tầm quan trọng khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào trước trận đấu, đặc biệt hơn khi đó lại loại thuốc không có sự tự vấn trước của bác sĩ. Đây là quyết định đã được cân nhắc kỹ lưỡng từ trước, không phải lỗi vô ý”.
Bản báo cáo cũng nói rằng Sharapova không phải là người vô trách nhiệm với những gì mà cô đưa vào cơ thể mình. Từ năm 2011-15, Sharapova và người đại diện Eisenbud đã vài lần nhờ tư vấn của các bác sĩ từ Hiệp hội quần vợt nữ (WTA) khi gặp phải nghi ngờ về một loại thuốc nào đó. Ví dụ như vào tháng 06/2015, Sharapova đã xin trợ giúp của WTA về một loại thuốc xịt mũi mà cô sử dụng liệu có chất nào bị cấm không.
Con “tốt thí” Max Eisenbud và sự nhượng bộ của ITF
Khi mà Sharapova hoàn toàn có thể kiểm tra dễ dàng một chất nào đó có trong danh mục bị cấm không, câu hỏi được đặt ra là: tay vợt người Nga không có chút nghi vấn nào về meldonium, loại chất luôn có khả năng bị cấm bất cứ lúc nào?
Từ trước đến nay, khi xuất hiện trước truyền thông, Sharapova luôn khẳng định rằng cô không biết meldonium được đưa vào danh mục chất cấm của WADA. Và người phải “hy sinh” để khiến lời bào chữa của Sharapova trở nên thuyết phục là người đại diện Max Eisenbud.
Theo bản báo cáo, Eisenbud nói răng ông thường kiểm tra danh sách cập nhất những chất bị cấm trong kỳ nghỉ cuối năm tại Caribbean. Tuy nhiên, năm nay Eisenbud đã quên không làm điều đó khi chuyến du lịch bị hủy bỏ.
Với một nhà quản lý chuyên nghiệp cho công ty thể thao hàng đầu như IMG, đóng vai trò quan trọng giúp Sharapova trở thành một trong những nữ VĐV có thu nhập cao nhất thế giới, Tòa án dĩ nhiên không chấp nhận bằng chứng của Eisenbud.
Với tất cả những lý do trên, Sharapova hoàn toàn có thể phải nhận một bản án 4 năm hoặc nặng hơn nhiều nếu như cô bị kết luận cố ý vi phạm, điều mà Tòa án, những người được cử ra bởi ITF, đã kết luận ngược lại. Việc meldonium mới được đưa vào danh sách "đen" từ đầu năm và vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh công dụng của nó khi thi đấu, có lẽ là nguyên nhân Tòa án "giơ cao đánh khẽ" trong trường hợp này.
Sau nhiều tháng cân nhắc, trong đó có 2 ngày điều trần (18-19/05), Tòa án kết luận cựu số 1 thế giới không cố ý vi phạm luật phòng chống doping và chấp nhận sự tác trách của Sharapova khi không theo dõi danh mục những chất bị cấm:
“Sharapova sẽ không tiếp tục sử dụng Mildronate nếu cô ấy biết thành phần của loại thuốc này bị cấm từ ngày 01/01/2016, bởi vì cô ấy biết chắc chắn sẽ phải trải qua buổi kiểm tra doping tại Australian Open”.
Kết luận: Với “tội danh” không cố ý, phán quyết cấm thi đấu 2 năm dành cho Maria Sharapova là khá nặng. Thế nhưng, khi xét toàn bộ tính chất, diễn biến vụ việc ở trên, có thể thấy tay vợt người Nga vẫn còn là may khi có thể trở lại thi đấu từ ngày 25/01/2018. Thực tế, Sharapova hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian treo vợt nếu kháng án thành công lên Tòa án thể thao (CAS).