Andy Murray: Nhà vua đích thực của làng banh nỉ

thứ ba 22-11-2016 13:28:25 +07:00 0 bình luận
Vượt mặt Novak Djokovic để lên ngôi số 1, Andy Murray cuối cùng cũng có chỗ đứng xứng đáng trong nhóm Big 4 cũng như thế giới quần vợt.

Vượt mặt Novak Djokovic để lên ngôi số 1, Andy Murray cuối cùng cũng có chỗ đứng xứng đáng trong nhóm Big 4 cũng như thế giới quần vợt.

Đánh bại đối thủ lớn nhất để trở thành số 1

ATP World Tour Finals vừa qua có thể coi là hình ảnh thu nhỏ trong hành trình chinh phục ngôi vương của Murray: gặp nhiều trắc trở nhưng vẫn kiên trì đeo bám và bứt lên ở đoạn sau nhờ một phong độ toàn diện. Điều này được thể hiện rõ ở trận chung kết với Djokovic – tay vợt đã thắng anh 24/34 lần. 

Trước khi bước vào trận chiến quan trọng, lần đầu tiên trong 12 năm sự nghiệp, Murray đứng trước cơ hội giành danh hiệu được coi như “Grand Slam” thứ 5 của mùa giải và quan trọng hơn, ở tuổi 29, Murray lần đầu đã biết mơ về ngôi số 1 thế giới khi hết năm. Tất cả chỉ cần Murray thắng một trận nữa, như 23 trận liên tiếp trước đó.

Áp lực và sự kỳ vọng là rất lớn, nhất là khi Murray phải đối mặt với Djokovic - vật cản khó ưa nhất trong cả sự nghiệp, người đã vô địch giải đấu 4 năm liên tiếp và đang khát khao chiếm lại ngôi số 1. Thế nhưng mong đợi của khán giả vào một trận đấu nãy lửa đã không xảy ra. Sau vài game đầu ấn tượng, Djokovic chịu thua tâm phục khẩu phục trước một Murray quá xuất sắc.


Murray đánh bại Djokovic để lần đầu vô địch ATP World Tour Finals

Đầu tiên là ở cú trái. Murray ở trận chung kết thành công trong việc đọ trái với Djokovic, thứ vũ khí mà Nole vốn được đánh giá nhỉnh hơn. Trong tổng số 30 lỗi Djokovic mắc phải thì có đến 17 pha bóng đến từ cú trái. Nên nhớ rằng trước trận chung kết, tay vợt Serbia chỉ đánh trái hỏng 7 lần mỗi trận.

Thế nhưng yếu tố được Murray cải thiện nhiều nhất phải là những quả phải tay. Trải qua hơn nửa giờ thi đấu trong set 1, Murray tạo ra 2 cơ hội giành break nhưng cả 2 lần tay vợt Vương quốc Anh đều đánh bóng rúc lưới vì sự cầu toàn. Đến game thứ 7, Murray tiếp có cơ hội bẻ game đối thủ. Lần này, thay vì chọn sẵn tư thế để đánh trái an toàn như mọi khi, Murray di chuyển, né trái đánh phải rồi thực hiện cú phải tay chéo sân hiểm hóc. Djokovic buộc phải phòng ngự nhưng không thể đưa bóng qua lưới.

Trong quá khứ, những cú thuận tay của Murray không được đánh giá cao, thậm chí không ít lần cú đánh này khiến anh trả giá. Những thành viên còn lại của Big 4 là Djokovic, Roger Federer và Rafael Nadal đều có những cú thuận tay “sát thủ” để bước lên số 1. Murray hiểu điều đó và tay vợt 29 tuổi đã nỗ lực tập luyện để nâng cấp cú phải tay của mình, trong đó có việc tái hợp cùng Ivan Lendl.


Cú thuận tay của Murray đang có những cải tiến đáng kể

Cần thêm nhiều thời gian để kiểm chứng chất lượng trong cú thuận của Murray nhưng ít nhất ở trận đấu vừa qua, nó đã phát huy tác dụng. Djokovic không đầu hàng ở nhiều pha bóng, kể cả khi đối diện với điểm quyết định, song đã lâu rồi người ta mới thấy Murray chủ động và nhỉnh hơn hẳn Djokovic ở cú phải. Đó là lý do dù chỉ giao bóng 1 trong sân có 54% nhưng Murray vẫn giành chiến thắng khi đạt tỷ lệ ăn điểm lên tới 84%.

Sau trận đấu, Djokovic thừa nhận: “Từ đầu đến cuối, Andy là người chơi tốt hơn. Tôi đã thử mọi cách nhưng không thể lật ngược tình thế. Không có cơ hội thực sự nào cho tôi để thắng trận này cả”.

Khẳng định tiếng nói trong Big 4

Năm 2016 chứng kiến sự thăng hoa của Murray kể cả trong thời điểm Djokovic vẫn giữ được đỉnh cao phong độ. Sau gần 2 tháng gián đoạn vì cô vợ Kim Sears mới sinh, Murray đã chơi mùa đất nện hay nhất sự nghiệp và lọt vào chung kết ở Roland Garros.

Murray bước vào mùa sân cỏ với việc chào đón thầy cũ Lendl và lập tức vô địch Wimbledon. Một tháng sau, Murray trở thành tay vợt đầu tiên bảo vệ thành công tấm HCV Olympic trước khi kết thúc mùa giải cực kỳ mạnh mẽ khi vô địch cả 5 giải tham dự gần nhất.

Với thành tích thắng thua 78-9, giành 9 chức vô địch cả mùa giải cùng chuỗi 24 trận thắng liên tiếp, Murray tiếp tục phá bỏ giới hạn của bản thân dù đã cận kề tuổi 30: danh hiệu đầu tiên tại Rome Masters, China Open, Paris Masters, ATP World Tour Finals và lần đầu kết thúc năm ở vị trí số 1 thế giới.


Murray mất tới 7 năm để từ vị trí số 2 lên ngôi số 1 thế giới

Kể từ lần đầu nắm giữ vị trí số 2 thế giới vào tháng 8/2009, Murray phải mất tới 7 năm để thực hiện việc chuyển tiếp, khoảng thời gian có lẽ là lâu nhất cho một tay vợt tiệm cận ngôi số 1. So với phần còn lại của Big 4, Murray đã vất vả hơn rất nhiều để nhảy từ số 2 lên số 1: Nadal mất 3 năm còn Federer và Djokovic chỉ cần 1 mùa giải.

Đó là một phần lý do vì sao gần 10 năm kể từ khi Big 4 ra đời, Murray luôn bị coi là người xếp thứ 4. Trong khi Federer, Nadal và Djokovic mỗi người đã sở hữu hơn 10 danh hiệu Grand Slam và 20 Masters 1000, con số của Murray tương ứng chỉ là 3 và 14. Phải cạnh tranh với 3 tay vợt vào hàng vĩ đại nhất lịch sử, đã có lúc người ta gọi Murray là kẻ thất bại vĩ đại.


Sự trở lại của Lendl đem đến nhiều thành công mới cho Murray

Thế nhưng tất cả chỉ càng cho thấynỗ lực, nhẫn nại đáng khâm phục của Murray mà không phải chỉ trong năm nay, nó đã được thể hiện suốt 12 mùa giải sự nghiệp. Sau thất bại ở trận chung kết Grand Slam đầu tiên năm 2008 tại US Open, tay vợt sinh năm 1987 cần tiếp 4 năm học hỏi, về nhì 3 lần khác mới giành được Grand Slam ở chính… US Open.

Ngoại trừ mùa giải 2014 không có thành tích thực sự tốt vì vừa trải qua ca phẫu thuật lưng cuối năm 2013, Murray từ khi vươn lên số 2 luôn giữ được sự ổn định khi chỉ “loanh quanh” top 5. Đó là một sự bền bỉ ghê gớm mà không nhiều tay vợt làm được trong tennis hiện đại.

Murray cũng là tay vợt luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp mới, không ngại thay đổi để nâng cao hơn nữa trình độ. Nếu không tính người thầy đầu tiên, bà Judy Murray hay các HLV ở học viện, tính ra cho đến lúc này, Murray đã trải qua 10 HLV chính thức khác nhau. Từ đội trưởng Davis Cup VQ Anh Leon Smith cho đến cựu tay vợt nữ số 1 thế giới Amelie Mauresmo và hiện tại là với Lendl, Murray đều có những cải thiện ở mỗi đời HLV để rồi giờ đây, anh đã đạt được đỉnh cao nhất của một tay vợt: vô địch Grand Slam và trở thành số 1 thế giới.


Murray xứng đáng với vị trí hiện tại sau những nỗ lực không ngừng nghỉ

“Đây là thành quả mà tôi không bao giờ hy vọng mình sẽ đạt được”, Murray chia sẻ sau chiến thắng trước Djokovic để kết thúc năm với vị trí số 1 thế giới.

Bất chấp việc các thành viên của Big 4 suy yếu, Murray hoàn toàn xứng đáng là vị vua của làng banh nỉ. Một chỗ đứng vững vàng hơn đã được khẳng định, và lần này, Murray có lẽ đã thực sự biết “hy vọng” vào chiến thắng của mình hơn.

Video Murray đánh bại Djokovic trong trận chung kết ATP World Tour Finals:

>

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội