Chuyên gia phân tích những lí do khiến Djokovic trở nên "vô đối"
Chuyên gia quần vợt Craig O’Shannessy cùng cựu tay vợt Henri Leconte đã đưa ra những giải thích vì sao nhà ĐKVĐ Wimbledon gần như bất khả chiến bại vào thời điểm này.
Djokovic sở hữu những cú trả giao bóng hay nhất thế giới
Craig O’Shannessy, chuyên gia phân tích số liệu, chiến thuật cho ATP, WTA và Wimbledon, Australian Open: Điểm tựa đầu tiên đến từ khả năng trả giao bóng trái tay độc nhất vô nhị. Đó là cú trả hay nhất thế giới. Hầu hết những cú giao bóng sẽ nhắm đến trái tay của đối thủ, trong khi đó lại là điểm mạnh trong kỹ thuật của Novak Djokovic.
Djokovic luôn cố gắng hạn chế những ưu thế mà giao bóng có thể mang lại cho đối thủ với những cú trả sâu hoặc nặng vào giữa sân. Thông thường, người giao bóng chỉ cần thêm 2 cú đánh nữa để ghi điểm nếu đó là cú giao bóng tốt, khiến đối phương gặp khó khăn. Khi giao bóng, bạn không bao giờ muốn đánh đến cú thứ 4 vì bạn có thể phải bước vào loạt đánh mà tỷ lệ giành điểm chia đều cho cả hai, do lợi thế từ quả giao bóng đã mất.
Khả năng chọn vị trí trên sân cũng đem lại lợi thế lớn cho Djokovic. Đôi khi, những tay vợt giao bóng còn phải chủ động phòng ngự ngay sau quả giao bóng của chính mình.
Djokovic không có quá nhiều những pha trả giao bóng ăn điểm, như tại Wimbledon 2015 chỉ là 11 điểm. Tuy nhiên, cú trả đó lại giúp anh ấy ở những pha bóng tiếp sau đó.
Khả năng giao bóng chọn điểm rơi cực tốt
Craig O’Shannessy: Nếu tôi đặt một cái rổ đựng bóng trên sân và bạn được chọn một tay vợt để đánh bóng trúng cái rổ đó, chắc hẳn bạn sẽ chọn Roger Federer. Ngày hôm nay, khi mà Wimbledon sắp đến, tôi nghĩ Djokovic mới là người hay hơn, đặc biệt là những cú đánh vào góc sân.
Khả năng giao bóng chọn điểm là ưu thế lớn nhất của Djokovic. Anh ấy không có những cú phát uy lực nhưng lại có khả năng chọn điểm rơi cực tốt. Ở phần sân deuce court (phần sân bên phải), khi cần kiếm điểm, Djokovic sẽ sử dụng những cú giao bóng xoáy làm bóng “trượt” rộng ra ngoài sân.
Còn ở bên ad court (phần sân bên trái), Djokovic thực hiện nhiều kiểu giao bóng khác nhau. Tay vợt Serbia luôn giấu ý đồ giao bóng rất tốt. Rất khó để đoán được anh ấy định giao bóng như nào, khi mà những chuyển động hay tung bóng đều y như nhau ở mọi thời điểm.
Cú giao bóng ở ad court của Djokovic không phải là quá uy lực. Năm 2015, vận tốc giao bóng 1 trung bình của anh ấy là 188 km/h, giao bóng 2 là 156 km/h, trong khi cú giao bóng mạnh nhất đạt 204 km/h. Một phần là vì Djokovic hay thêm chút topspin và độ xoáy, nhất là khi giao bóng vào ô chữ T.
Điều này giúp Djokovic có tỷ lệ giao bóng 1 trong sân khá cao, 66,6 % trong vòng 12 tháng qua, chỉ xếp sau Rafael Nadal và John Isner.
Khả năng giành điểm ở những pha bóng ít chạm
Craig O’Shannessy: Dù mỗi tay vợt có sở trường khác nhau, lối chơi khác nhau nhưng để giành chiến thắng, họ cần giành được nhiều điểm số ở loạt đành từ 0- 4 lần chạm vợt. Theo thống kê, khoảng 70% điểm số trong một trận đấu đến từ 4 cú đánh đầu tiên, 20% đến từ 5-8 cú đánh và 10% còn lại là những pha bóng hơn 9 lần chạm vợt.
Djokovic là tay vợt chiếm được ưu thế này. Ở Australian Open 2015, 69% điểm số của Djokovic nằm ở 4 cú đánh đầu tiên, 21% ở những loạt đánh từ 5-8 lần chạm vợt và chỉ 10% đến từ những loạt bóng bền trên 9 lần chạm vợt.
Lợi thế từ những pha bóng đầu tiên của Djokovic lớn hơn nhiều so với những pha bóng giằng co. Trong những loạt bóng dài, Djokovic vẫn chạy, vẫn dẻo dai dựa trên khả năng phòng ngự xuất sắc. Tuy nhiên, phần lớn điểm số của anh ấy đến từ 4 cú đánh đầu tiên với khả năng giao bọng chọn điểm và điều bóng hiếm thấy.
Thể lực và sự dẻo dai
Henri Leconte, cựu số 6 thế giới, từng là thành viên ĐT Davis Cup của Pháp và chuẩn bị bình luận cho kênh Eurosport tại Wimbledon: Cái cách Djokovic tập luyện, học hỏi những kỹ thuật mới giúp cậu ấy càng trở nên đa dạng hơn. Trước đây, nói về thể lực, chúng ta hay nghĩ về việc tăng cường cơ bắp, sức mạnh. Đó không phải là tất cả. Bạn cần phải khỏe mạnh nhưng cũng cần nhiều thứ khác như độ dẻo dai, linh hoạt, sự nhạy bén.
Tôi chưa từng thấy ai có sức rướn như Djokovic, có lẽ nên đặt tên cậu ấy là “Người Dẻo”. Khi tôi xem cậu ấy trượt trên sân, tôi nghĩ rằng dây chằng của mình sẽ đứt mất nếu làm những động tác như vậy. Vậy mà cậu ấy vẫn thực hiện được, quả thực là điều không thể tin nổi.
Tâm lý “thép”
Henri Leconte: Novak Djokovic là một và duy nhất vào thời điểm nay. Sau khi cùng ĐT Serbia giành chiến thắng trước Pháp tại Davis Cup 2010, Djokovic đã tìm được cách giúp cậu ấy tập trung và luôn sẵn sàng cho mọi giải đấu lớn.
Những khó khăn hồi còn trẻ (Djokovic từng trải qua thời niên thiếu khốn khó khi Serbia bị NATO đánh bom) giúp bản lĩnh của cậu ấy được trui rèn. Cậu ấy đã vượt qua những điều tồi tệ và giờ là lúc tận hưởng cuộc sống.
Đối với Djokovic, chiến thắng là điều rất quan trọng nhưng nếu có nhận thất bại, đó cũng không phải là ngày tận thế. Cậu ấy luôn cố gắng thư giãn, hạnh phúc với những gì mình có. Djokovic hiểu rõ cơ thể mình và biết phải làm gì để duy trì sự tỉnh táo.