Có nên bỏ cú giao bóng 2 trong quần vợt?
Nếu như không có lượt giao bóng thứ 2, chưa chắc Novak Djokovic và Rafael Nadal vẫn còn trụ lại tại Madrid Open 2017 sau vòng 2.
Trận đấu đầu tiên của Djokovic và Nadal tại giải Masters 1000 ở Madrid đã diễn ra với kịch bản tương đối giống nhau: Thắng set 1, để đối phương vùng lên rồi gỡ hòa trong set 2 và vất vả đánh bại đối thủ ở set quyết định.
Nadal đánh bại Fabio Fognini nhờ điểm break ở game cuối trong khi Djokovic thậm chí để Nicolas Almagro dẫn 3-0 trong set 3 trước khi giành chiến thắng chung cuộc 6-1, 4-6 và 7-5.
Bên cạnh sự nhỉnh hơn về đẳng cấp, điểm chung mang đến chiến thắng cho 2 tay vợt được đánh giá cao hơn là khả năng giao bóng 2 ăn điểm. Trước Fognini, Rafa đạt tỷ lệ 49% so với 43% của đối thủ. Với Djokovic là hiệu suất ăn điểm từ giao bóng 2 vượt trội, lên tới 62%, gần gấp đôi của Almagro (33%).
Trong ngày thi đấu mà khả năng giao bóng 1 không xuất sắc hơn đối thủ, Djokovic và Nadal đã tạo được sự khác biệt nhờ khả năng giao bóng 2, một trong những yếu tố từng tạo ra không ít tranh luận liệu có nên tiếp tục sử dụng cú giao bóng 2 trong tennis nữa không?
Nói về tầm quan trọng của giao bóng 2, Pete Sampras từng miêu tả các tay vợt thường chỉ tập trung sức mạnh cho cú giao đầu tiên nên cú giao thứ 2 thường yếu và dễ mất điểm, bởi vậy một tay vợt xuất sắc là người biết tận dụng lượt giao bóng 2.
Thực tế cho thấy, những tay vợt hàng đầu hiện nay ở ATP không phải ai cũng giao bóng 1 quá xuất sắc. Theo thống kê về tỷ lệ giao bóng 1 chính xác trong 52 tuần qua, trừ Nadal đứng thứ 2 (69,5%), 3 người còn lại của Big 4 đều không nằm trong nhóm 10 người đầu tiên: Djokovic hạng 11 (64,5%), Roger Federer dù cực kỳ thăng hoa cũng chỉ đứng thứ 26 (62,1%), còn tay vợt số 1 thế giới Andy Murray xếp vị trí 42 với tỷ lệ 59,7%!
Một số tay vợt khác trong Top 10 thế giới thì chỉ có Milos Raonic – một chuyên gia giao bóng - giữ vị trí thứ 10 trong danh sách những người có tỷ lệ giao bóng 1 trong sân cao nhất, còn lại Stan Wawrinka, Kei Nishikori, Marin Cilic hay Dominic Thiem đều nằm xa Top 25.
Điều đó cho thấy, duy trì sự chính xác trong giao bóng chưa thể đảm bảo sự thành công cho một tay vợt, và nếu như vậy thì liệu có cần mất thêm thời gian cho mỗi tay vợt thực hiện 2 lần giao bóng?
Với những người phản đối, đây là ý kiến tồi. Đầu tiên là việc này có thể khiến các tay vợt cầm giao bóng phải thận trọng hơn, phát bóng nhẹ đi và như vậy sẽ giúp đối phương trả giao bóng dễ dàng hơn, dẫn đến nhiều pha bóng giằng co nhưng cũng có thể làm biến mất lối chơi giao bóng lên lưới từng khuynh đảo làng quần vợt.
“Nó khiến môn thể thao này mất đi sự đa dạng và sẽ là cú đấm mạnh vào lịch sử”, phóng viên Kevin Mitchell của tờ Guardian nhận xét: “Nếu bạn muốn phá hủy tennis, đây là cách nhanh nhất. Sẽ chẳng có ai dám mạo hiểm giao bóng ăn điểm trực tiếp khi đó cũng có thể là tình huống mất điểm”.
Khán giả sẽ không còn nhiều dịp thưởng thức điểm ace hay cú giao bóng với vận tốc hơn 200km/h. Khi đó, những tay vợt như Michael Llodra, Ivo Karlovic, Nicolas Mahut và John Isner có thể sớm nói lời chia tay sự nghiệp.
Tuy nhiên, trong khi nhiều tay vợt sẽ phải dè dặt hơn ở cú giao bóng, đây cũng là cơ hội thể hiện sự khác biệt với phần thưởng là những điểm số sẽ chỉ dành cho những tay vợt dám mạo hiểm. Chuyên gia Xan Brooks cho rằng điều này phản ánh một phần đặc thù của tennis.
“Quả giao bóng 1 tồn tại giống như những cú đánh phủ đầu, cú knock-out ở các môn khác”, Brooks nói: “Nó thể hiện bản chất tự nhiên trong tennis là giao bóng có ưu thế hơn so với trả giao bóng dù sự khác biệt là rất nhỏ. Không có lý do gì phải lo lắng về cú ace nếu luật giao bóng 2 gỡ bỏ. Nó chỉ làm các tay vợt phải đánh cược nhiều hơn thôi”.
Brooks cho rằng việc bỏ cú giao bóng 2 không làm giảm chất lượng trận đấu khi đánh giá các tay vợt hiện nay đủ sức đưa bóng vào bất kỳ vị trí nào của ô giao bóng. Ông lấy ví dụ Andy Murray, người đã cải thiện độ chính xác trong cú giao bóng với đich ngắm là những cái chai trong khi tập luyện.
Ý kiến phản bác thì cho rằng chuyện luyện tập và thi đấu là hoàn toàn khác nhau, mà ở đây là vấn đề tâm lý. Chưa kể sự chuẩn xác nhiều khả năng giảm sút khi "thực chiến", bản thân thay đổi nhận thức với việc chỉ có 1 lần giao bóng là cực khó, khi các tay vợt đã quen cách suy nghĩ mình luôn có cơ hội thứ 2.
Dù còn nhiều quan điểm phản đối, loại bỏ cú giao bóng 2 trong quần vợt là một ý tưởng hoàn toàn có thể khiến tennis trở nên hấp dẫn hơn khi cơ hội đánh trả của các tay vợt tăng lên, đồng thời trận đấu sẽ rút ngắn thời gian hơn và trở nên “dễ gần” hơn với khán giả truyền hình.
Sự phát triển của quần vợt sẽ quyết định xem cú giao bóng 2 có cần thiết nữa hay không, còn vào lúc này, theo dõi 2 lượt giao bóng và chờ Rafael Nadal làm thủ tục cá nhân trước khi hoàn thành cú phát bóng có lẽ là hai việc tốn thời gian nhất của người xem truyền hình.
Video tổng hợp Djokovic và Nadal vượt qua vòng 2 Madrid Open: