Cuộc đời quần vợt chuyên nghiệp: Kẻ nhà nghèo mê tennis
Những ai yêu tennis thường được chứng kiến những tay vợt tên tuổi như Novak Djokovic, Roger Federer kiếm hàng triệu USD khi vô địch những giải đấu. Đó là chưa kể họ có những bản hợp đồng tài trợ và quảng cáo cao hơn nhiều lần số tiền thưởng. Người ta gọi đó là những “triệu phú tennis”. Nhưng có bao giờ bạn biết về cuộc sống của những tay vợt khác ít tiếng tăm dù họ cũng từng nằm trong Top 100 thế giới? Nên nhớ rằng để trở thành một trong số 100 tay vợt xuất sắc nhất làng banh nỉ không phải là chuyện dễ dàng.
Michael Russell từng có thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp là 60 thế giới và bây giờ ở tuổi 37, tay vợt người Mỹ đã rơi xuống số 283 thế giới nhưng vẫn chưa giải nghệ. Russell đam mê tennis và vẫn muốn gắn bó với môn thể thao này tới khi không thể cầm vợt thi đấu được nữa. Nhưng Russell chưa bao giờ là người “giàu có” nhờ tennis. Để duy trì sự nghiệp, Russell tiết kiệm từng đồng để có thể du đấu khắp thế giới, vừa để kiếm tiền, vừa để tích lũy điểm số trên bảng xếp hạng ATP.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau 17 năm thi đấu chuyên nghiệp, Russell kiếm được hơn 2,4 triệu USD tiền thưởng ở cả nội dung đánh đơn và đánh đôi. Tay vợt sinh ra ở Detroit không có hợp đồng quảng cáo nào và số tiền tài trợ từ các hãng cung cấp đồ thi đấu khoảng 60 nghìn USD một năm. Nhưng với số tiền thưởng ấy, Russell vẫn nhiều khi vừa thi đấu vừa “lỗ vốn”.
Tính ra trung bình mỗi năm Russell kiếm được 75 nghìn USD nhưng 35 nghìn USD trong đó là chi phí để di chuyển tới các giải đấu và cả tiền ăn ở tại đó. Các khoản thuế thu nhập cũng “xén” bớt con số 75 nghìn USD ấy. Một khoản chi phí khác mà ít ai nghĩ tới nhưng lại khá tốn kém là căng dây vợt cũng ngốn của Russell tới 300 USD ở mỗi giải đấu. Và tính ra trung bình một năm Russell chơi 30 giải, con số ấy sẽ là 9 nghìn USD. Và còn chưa kể chi phí thuê HLV và sân tập, bạn tập… Vậy là tính sơ sơ, một năm Russell kiếm được khoảng trên dưới 30 nghìn USD, nghĩa là 2,5 nghìn USD/tháng, con số mà ngay cả tại Việt Nam, nhiều người cũng có thu nhập nhiều hơn như thế.
Vậy nên những tay vợt như Michael Russell, không bao giờ dám ở những khách sạn hạng sang tại mỗi giải đấu họ tham dự. Và cũng không dám đập gãy cây vợt của mình nếu bực tức trên sân đấu như những ngôi sao vẫn thường làm.
Khi các tay vợt hàng đầu đang nghỉ ngơi sau khi Wimbledon kết thúc, thì Russell vẫn miệt mài thi đấu ở những giải Future và Challengers (cấp độ thấp hơn ATP). Anh tới Manta ở Ecuador thi đấu và riêng quãng đường đi và về là gần 14 nghìn km chỉ để kiếm 5 nghìn USD một tuần. Đó là vì Russell vô địch giải đấu, chứ còn những tay vợt bị loại sớm, họ chấp nhận “canh bạc” thua trắng tại giải đấu này.
LY NA