Cúp quần vợt đồng đội Davis Cup: “World Cup” ra đời từ lời thách đấu
Davis Cup 2015 đang diễn ra những trận đấu ở bán kết World Group và các trận play-off ở các nhóm đấu. Năm nay Davis Cup đã bước sang tuổi 104 và mùa này có tới 125 quốc gia trên toàn thế giới tham dự giải quần vợt đồng đội nam, giải đấu hiếm hoi thuộc theo thể thức đồng đội trong môn thể thao mang nặng tính cá nhân như tennis.
Ít ai biết rằng Davis Cup được khai sinh chỉ nhờ một lời thách đấu giao hữu. Năm 1899, một nhóm sinh viên người Anh đến từ Đại học Harvard làm nhiệm vụ quảng bá cho quần vợt ở miền Tây nước Mỹ, nơi mà tennis vẫn là môn thể thao xa lạ. Một anh chàng sinh viên trẻ mới 21 tuổi tên là Dwight Filley Davis bỗng dưng nảy ra một ý tưởng mới, đó là tổ chức một giải đấu giữa các tay vợt Anh và Mỹ. Bác sĩ James Dwight – người sáng lập ra Liên đoàn quần vợt Mỹ – đã đồng ý với lời đề nghị này và ngày 7/8/1900, trận đấu quần vợt mang tầm quốc gia đã diễn ra ở Longwood Crickert Club thuộc thành phố Boston.
Đội tuyển Anh và đội tuyển Mỹ đều có 3 tay vợt thi đấu trên mặt sân cỏ. Kết quả là người Mỹ toàn thắng cả 5 trận đấu, bao gồm 4 trận đánh đơn và 1 trận đánh đôi. Chủ nhà cũng dùng cả tiểu xảo để đánh bại người Anh khi trồng mặt cỏ vừa cao và dày để hạn chế sức mạnh của đối thủ. Dù vậy điều quan trọng nhất là Davis Cup đã được khai sinh.
Nếu như đến năm 1905, giải đấu chỉ có 5 quốc gia tham dự gồm Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Bỉ thì đến năm 1920 đã có hơn 20 đội tuyển đăng ký thi đấu. Tất cả các trận đấu diễn ra trên mặt sân cỏ, vốn rất thịnh hành ở thời điểm ấy. Những năm đầu tiên là sự thống trị của đội tuyển Mỹ, nhưng sau đó người Pháp thâu tóm hàng loạt danh hiệu khi có “Bốn chàng ngự lâm pháo thủ” lừng danh là Jean Borotra, Jacques Brugnon, Henri Cochet và Rene Lacoste.
Sau khi kỷ nguyên Mở bắt đầu, năm 1969 có đến 50 quốc gia tham dự giải Davis Cup. Và tới năm 1981, lần đầu tiên thể thức thi đấu chia nhóm theo vùng lãnh thổ được sử dụng. Và bước ngoặt này cũng giúp cho Davis Cup hấp dẫn hơn, bên cạnh những giải Grand Slam và những giải đấu lớn trong hệ thống ATP World Tour. Năm 1993, Davis Cup đánh dấu một sự kiện đáng nhớ khi 100 đội tuyển quần vợt các quốc gia tham dự giải đấu này. Năm nay, có 125 quốc gia trên toàn thế giới thi đấu tại Davis Cup 2015.
Các tay vợt không bắt buộc phải tham dự Davis Cup nhưng nhiều năm qua, những tên tuổi hàng đầu thế giới cũng sắp xếp lịch thi đấu để có thể thi đấu cho màu áo quốc gia. Tennis vì thế không chỉ còn mang màu sắc cá nhân, mà là cuộc chiến của cả tập thể.
LY NA
Năm 1945, khi Dwight Filley Davis qua đời ở tuổi 66, giải đấu được đổi tiên thành Davis Cup để tri ân người sáng lập ra giải đấu. Trước đó giải có tên là International Lawn Tennis Challenge.
Những quốc gia giành nhiều chức vô địch Davis Cup nhất
STT Quốc gia Số lần VĐ Năm gần nhất VĐ
1. Mỹ 32 2007
2. Australia 28 2003
3. Pháp 9 2001
4. Anh 9 1936
5. Thụy Điển 7 1998
6. Tây Ban Nha 5 2011