Đồng chủ trì Met Gala 2021: Naomi Osaka vượt tầm tennis nhanh như nữ hoàng Sharapova
Maria Sharapova vừa giải nghệ không lâu thì tennis xem ra sớm có nữ hoàng mới thay thế người đẹp Nga với tầm vóc nhanh chóng vượt khỏi làng banh nỉ: Naomi Osaka, tay vợt mang trong mình 2 dòng máu Nhật - Haiti và đang định cư ở Mỹ. Theo tạp chí Forbes, Naomi Osaka hiện là VĐV nữ có thu nhập cao nhất mọi thời đại.
Dù chỉ mới 4 lần vô địch đơn nữ Grand Slam, cô gái 23 tuổi đột phá trong làng tennis nhanh chẳng kém "nữ hoàng" Maria Sharapova - người trở thành tay vợt nữ số 1 thế giới lúc 18 tuổi, đại sứ Thiện chí của Liên hiệp quốc năm 20 tuổi và 11 năm liền dẫn đầu danh sách thu nhập của quần vợt nữ.
Sau khi thắng thần tượng Serena Williams ở chung kết US Open 2018, Naomi Osaka qua mặt cô em nhà Williams ở danh sách thu nhập của Forbes. Đến năm 2020 - thời điểm Shaparova giải nghệ, Naomi Osaka trở thành VĐV nữ có thu nhập cao nhất mọi thời đại. Thật là kỳ tích với tay vợt mới ở tuổi 22.
Đến nay, giá trị tài sản ròng ước tính của cô vào khoảng 25 triệu đô la Mỹ. Phần lớn tài sản của cô đến từ hợp tác và các hoạt động khác ngoài quần vợt. Forbes liệt kê tổng thu nhập của cô là 37,4 triệu đô la Mỹ vào năm 2020. Các báo cáo cho biết trong tổng số tiền này, 34 triệu đô la Mỹ là từ thu nhập ngoài thi đấu và chỉ 3,4 triệu đô la Mỹ có thể là từ quần vợt.
Chiến thắng US Open 2018 giúp cô kiếm được 3,8 triệu đô la Mỹ, sau đó là chiến thắng ở Úc Mở rộng 2019 thu về 2,9 triệu đô la Mỹ. Đây là khoản tiền thưởng cao nhất trong lịch sử giải Úc Mở rộng.
Kể từ đó, Naomi Osaka kiếm được tới 60 triệu đô la Mỹ, chen vào danh sách 50 vận động viên có thu nhập cao nhất thế giới của Forbes, thậm chí đánh bại những tay vợt vĩ đại khác như Serena Williams, Novak Djokovic và Rafael Nadal.
Nhờ vậy, Naomi Osaka có điều kiện để sống sang chảnh. Cô đã mua một chiếc máy bay riêng; một ngôi nhà trị giá 7 triệu đô la Mỹ, rộng 43.000 mét vuông ở Los Angeles chuyển giao từ ca sĩ Nick Jonas; và một bộ sưu tập xe hơi đắt tiền, bao gồm một chiếc Nissan GT-R Nismo 2018 màu bạc mà giá ở Mỹ đã gần 4 tỷ đồng.
Ngôi nhà của Naomi Osaka lấy cảm hứng từ văn hóa Nhật, có 3 phòng ngủ và 4 phòng tắm với một sân nhỏ và một bể bơi. Ngôi nhà xây dựng vào năm 1965 và được cải tạo vào năm 2015 thành một ngôi nhà tối giản hiện đại.
Thế nhưng, Naomi Osaka tiêu xài chẳng đáng gì so với khả năng kiếm tiền nhờ kết hợp hoàn hảo nhiều yếu tố: Di sản Nhật Bản-Haiti độc đáo, tính tình dễ bị tổn thương và cởi mở, sẵn sàng hành động vì những lý do mà cô ấy tin tưởng và cuối cùng, cuộc sống của cô bên ngoài sân đấu.
Khi Naomi Osaka quyết định rút lui khỏi giải Pháp Mở rộng để chăm sóc sức khỏe tinh thần, các thương hiệu bao gồm GoDaddy, Levi’s Nissan, Nissan Foods, Tag Heuer và Mastercard... đã nhanh chóng ủng hộ cô.
Thậm chí chỉ một tuần sau thất bại tại US Open, Osaka đã ra mắt dòng sản phẩm chăm sóc da Kinlò - một loạt các sản phẩm chống nắng dành riêng cho những người có làn da giàu melanin (sắc tố).
Rõ ràng cuộc sống của Naomi Osaka có nhiều điều đáng lưu ý, thay vì vỏn vẹn tennis. Lịch làm việc của cô ấy có thể chứa đầy các hoạt động không liên quan đến quần vợt. Cô có một loạt phim tài liệu cùng tên trên Netflix kể về cuộc đời, một con búp bê Barbie được tạo hình theo cô ấy, và những cái hẹn chụp ảnh đăng các trang bìa tạp chí trên Vogue và Sports Illustrated...
Naomi Osaka còn lấn sân sang thời trang khi đồng thiết kế một bộ sưu tập với nhãn hiệu Adeam của Mỹ gốc Nhật; hợp tác với thương hiệu phụ kiện Scotland Strathberry cho một loạt túi xách và ví phiên bản giới hạn; và bắt đầu một loạt các bộ "capsule collection" (nhóm đồ dễ phối cùng nhau) với Nike vào năm 2020. Osaka cũng là đại sứ của thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton và đồng chủ trì Met Gala năm nay.
Hình ảnh một số ngôi sao tennis tham dự "đại tiệc thời trang lớn nhất năm" Met Gala 2021