Khám phá bí ẩn sân đất nện: Kiệt tác Roland Garros
Roland Garros truyền thống đến nỗi, ban tổ chức từng khăng khăng không xây sân mái che, vì tự tin thời tiết ở Paris sẽ luôn chiều lòng các tay vợt khi giải đấu bắt đầu vào khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6. Nhưng khi “ông trời” cứ liên tục thay đổi qua năm tháng, không ít lần Roland Garros bị ảnh hưởng bởi những cơn mưa lớn và làm lịch thi đấu bị xáo trộn. Và hẳn tất cả đều nhớ trận chung kết Roland Garros 2012 giữa Rafael Nadal và Novak Djokovic phải kéo dài sang ngày thi đấu thứ hai chỉ vì thời tiết. Điều đó khiến nhiều người lại phải suy nghĩ về câu hỏi: “Giả sử như không mưa thì Djokovic có đánh bại Nadal?”.
Năm tới thì Roland Garros sẽ có mái che, sau rất nhiều tranh cãi về việc sẽ xây dựng những sân đấu mới hay cải tạo lại hệ thống sân cũ. Cuối cùng thì người ta cũng tìm ra giải pháp để giúp Roland Garros vừa giữ được truyền thống nhưng cũng mang những nét hiện đại theo sự thay đổi của quần vợt thế giới.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1891 nhưng phải tới năm 1927, Chính phủ Pháp mới quyết định xây một sân quần vợt lớn ở Porte d’Auteuil trên khu đất 3 héc ta. Đó là năm kỷ niệm sự kiện 4 tay vợt Rene Lacoste, Jean Borotra, Henri Cochet và Jacques Brunon bất ngờ vô địch Davis Cup ngay trên đất Mỹ. Họ được coi là “4 chàng ngự lâm pháo thủ” trong lịch sử quần vợt Pháp và đã mang lại những năm tháng thống trị làng banh nỉ cho đất nước hình lục lăng.
Mảnh đất do đội bóng Stade de France trao tặng cho Liên đoàn quần vợt Pháp nhưng với một điều kiện đặc biệt: Giải Grand Slam này phải mang tên Roland Garros.
Ông không phải là một tay vợt, mà là một phi công huyền thoại của không quân nước Pháp. Roland Garros đã hi sinh trong Thế chiến thứ nhất trong một trận chiến với phát xít Đức. Và sự đam mê thể thao, ý chí chinh phục đỉnh cao và luôn cố gắng chiến thắng bản thân mình của Roland Garros được coi như là cá tính của giải Grand Slam trên mặt sân đất nện tại Paris.
Hai sân đấu chính tại Roland Garros là Philippe Chatrier và Suzanne Lenglen, cũng là hai biểu tượng huyền thoại của quần vợt Pháp. Dù không giành một Grand Slam nào trong sự nghiệp nhưng Chatrier có đóng góp lớn cho quần vợt thế giới khi từng là Chủ tịch Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) năm 1991 và Liên đoàn quần vợt Pháp năm 1993. Còn Lenglen đã giành 21 Grand Slam ở mọi nội dung thi đấu tại 2 giải Grand Slam ở Roland Garros và Wimbledon. Bà qua đời năm 1938 ở tuổi 39 vì căn bệnh thiếu máu ác tính.
Chỉ có một khiếm khuyết tại Roland Garros, đó là trong kỷ nguyên Mở, chỉ có đúng một tay vợt nam và nữ của Pháp vô địch trên sân nhà là Yannick Noah năm 1983 và Mary Pierce năm 2000.
Roland Garros từng có thời gian sống ở Việt Nam sau khi cùng người cha Georges Garros đến Sài Gòn lập nghiệp vào năm 1892 khi mới 4 tuổi. Ông đã ở Việt Nam tới năm 12 tuổi trước khi trở về Pháp học trung học. Ngày nay, con phố nhỏ nằm sau lưng chợ Bến Thành mang tên người sĩ phu yêu nước Thủ Khoa Huân, nhưng từng có thời điểm mang tên Roland Garros.
LY NA