Nadal có thêm HLV: Sự thay đổi cần thiết
Rafael Nadal đã giành được tất cả cùng người chú Toni. Sau 15 năm thi đấu chuyên nghiệp, giờ là lúc Rafa viết tiếp chương mới sự nghiệp với HLV Carlos Moya.
Trong lịch sử quần vợt, rất ít tay vợt gắn bó với một HLV trọn sự nghiệp giống như Nadal. Được chú Toni dẫn dắt và hướng dẫn từ khi mới 3 tuổi, kể từ đó tới nay, Nadal luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào HLV của mình dù cho ông có nghiêm khắc tới đâu
Thái độ, kỷ luật và khổ luyện là những từ gói gọn nhất trong gần 30 năm mà Toni muốn truyền tải tới cậu cháu trai của mình. Ngay từ nhỏ, Nadal đã chịu sự đối xử khắc nghiệt của Toni trong tập luyện.
Trong cuốn tự truyện của mình, Nadal kể rằng hai người thường thi đấu với luật ai đến điểm 20 trước sẽ thắng. Toni có thể nhường Nadal lên đến 19 trước rồi lạnh lùng đánh bại anh. Toni cũng thử thách Rafa với những bài tập trên mặt sân xấu, bóng hỏng để dạy anh ý thức được dù thắng hay thua, trách nhiệm của bản thân là lớn nhất chứ không phải do ngoại cảnh.
Đối với Toni, khác biệt giữa nhà vô địch và người tài năng chỉ là sự chịu đựng. Sự nghiêm khắc của Toni từng vấp phải những nghi ngại từ phía gia đình Nadal, thậm chí cậu Nadal, Juan gọi đó là “tra tấn tinh thần”. Toni không bận tâm, tiếp tục những bài tập nặng, trui rèn tinh thần và cả sự chịu đựng cho Rafa.
Và sự cứng rắn của Toni đã mang đến cho quần vợt một trong những tay vợt hay nhất mọi thời đại. Cùng Toni, Nadal giành được tất cả những gì một tay vợt có thể mơ đến. Từ HCV Olympic, 4 Grand Slam đến ngôi vị số 1 thế giới, Nadal đều đã chinh phục. Trên sân đất nện, anh là người vĩ đại nhất.
Tuy nhiên mọi thứ đều có cái giá của nó. Lối đánh dựa nhiều vào sức, phòng thủ sâu dưới vạch cuối sân với cách đánh top-spin cực nặng đang khiến Nadal buộc cơ thể làm việc và chịu đựng quá sức. Cũng chính tinh thần thi đấu như chiến binh của Rafa đôi lúc làm hại anh với việc tảng lờ những chấn thương.
Kể từ thời điểm giành Grand Slam đầu tiên ở Roland Garros 2015, không mùa giải nào đi qua mà Nadal không dính chấn thương. Nặng nhất là chấn thương đầu gối năm 2012. Thời điểm đó, Rafa vốn đã gặp vấn đề ở đầu gối trong thời gian thi đấu tại Roland Garros (vô địch) nhưng vẫn tham dự Wimbledon sau đó và kết cục là thua sốc Lukas Rosol (vòng 2) trước khi nghỉ 7 tháng để điều trị.
Ngoài ra là vô số những chấn thương khác khiến Nadal phải bỏ lỡ hoặc xuống phong độ ở các giải đấu, có thể kể đến như rách mắt cá chân trái (lỡ Australian Open 2006), viêm đầu gối (thua Robin Soderling Roland Garros 2009), gân khoeo (Australian Open 2011), cổ tay phải (bỏ US Open 2014).
Ở tuổi 30, Toni hiểu Nadal không còn có thể duy trì cách chơi phòng ngự, di chuyển liên tục với cường độ cao như tuổi đôi mươi nữa. Thực tế, Toni đã có những điều chỉnh khi yêu cầu Nadal đánh ôm sân hơn, tung ra nhiều cú bạt bên cạnh những pha bóng xoáy sâu sở trường.
Thế nhưng những thay đổi đó là chưa đủ. Danh hiệu tại Monte Carlo hay tấm HCĐ Olympic chỉ là điểm sáng hiếm hoi của Nadal trong mùa giải. Ở Grand Slam, nếu không thua sớm (Australian Open ở vòng 1 và US Open vòng 4) thì chấn thương cũng khiến Rafa phải bỏ cuộc (Roland Garros và Wimbledon).
Lần đầu tiên sau 12 năm, Nadal kết thúc mùa giải ngoài Top 5 (thứ 9 thế giới). Thành tích bết bát trên sân đấu khiến Nadal đang dần đánh mất sự tự tin. Và khi một tay vợt không còn tin vào bản thân, đó là dấu chấm hết.
Nhiều huyền thoại, trong đó có John McEnroe thẳng thừng khuyên Nadal nên tìm HLV mới. Chính Toni thừa nhận ông sẵn sàng rút lui nếu Rafa yêu cầu. Trước nhiều đồn đoán, Nadal dập tắt tất cả khi tuyên bố Toni sẽ mãi là HLV của anh và khẳng định: “Nếu có vấn đề gì cần thay đổi, điều đó đến từ tôi chứ không phải bất kỳ ai khác”.
Giữ lại HLV Toni, Nadal có thêm bước đột phá nữa với việc bổ sung thêm một HLV khác vào thành phần huấn luyện và người được lựa chọn: cựu số 1 thế giới Carlos Moya.
Nadal và Moya chẳng lạ gì nhau, những người con ở hòn đảo Mallorca. Lần trò chuyện đầu tiên diễn ra năm Nadal 12 tuổi tại một giải đấu ở Stuttgart, trước khi cả hai bắt đầu có những buổi tập cùng nhau tại Mallorca hai năm sau đó. Đến năm 2003, Nadal lần đầu chạm trán Moya tại Hamburg Masters. Ngày hôm đó, tay vợt 16 tuổi Nadal với thứ hạng ngoài Top 300 để lại hình ảnh ấn tượng khi bật khóc và nói lời xin lỗi tới thần tượng sau khi giành chiến thắng 2-0.
Sự xuất hiện của Moya là cần thiết vào lúc này với Nadal. Không chỉ đã khá hiểu nhau và là người ảnh hưởng tới sự nghiệp của Nadal như chính tay vợt người Tây Ban Nha chia sẻ, Moya trên hết từng là một tay vợt hàng đầu.
Moya khi còn thi đấu là chuyên gia đất nện và từng vô địch Roland Garros 1998. Những góc nhìn khác hay đơn thuần là một lời khuyên mới cũng có thể giúp Nadal tìm lại chiến thắng trên chính mặt sân sở trường. Và khi sự tự tin trở lại, Nadal sẽ là thách thức khó chịu với mọi tạy vợt không chỉ ở mặt sân bụi đỏ.
Thực tế sau mùa giải 2015 thất vọng khi lần đầu sau 1 thập kỷ không giành được Grand Slam hay Masters 1000 nào, không ít người đã hy vọng Nadal sẽ mời Moya về làm việc bên cạnh chú Toni và HLV Francis Roig, người đóng vai trò hỗ trợ và tập luyện cùng Nadal ở một số giải đấu. Tuy nhiên, việc Moya trước đó chưa từng dẫn dắt một tay vợt nào được cho là lý do khiến Nadal và cả Toni còn ngập ngừng.
Sau 12 tháng, Nadal có lẽ đã yên tâm hơn về lựa chọn của mình sau khi chứng kiến thành công mà Moya đem lại cho Milos Raonic. Mùa giải vừa qua, với sự có mặt của Moya trên băng ghế chỉ đạo, Raonic đã lần đầu tiên đi tới chung kết một giải Grand Slam (Wimbledon) và kết thúc năm ở vị trí số 3 thế giới.
Một cách tiếp cận mới là điều người hâm mộ đã chờ đợi Nadal từ lâu. Chưa thể nói trước liệu Nadal có thành công với Moya hay không, song niềm tin vào “Bò tót” đã lớn hơn sau nhiều năm không có sự thay đổi đáng kể.
Andy Murray, Novak Djokovic, Stan Wawrinka đều đã có những bước tiến lớn với những cựu tay vợt làm HLV như Ivan Lendl, Boris Becker hay Magnus Norman. Và giờ là lúc Nadal chứng minh mình đã đúng khi chọn Moya.