Người thường có thật được dùng “bảo kiếm” của các sao quần vợt?
Bất kể lời quảng cáo của nhà sản xuất hay vẻ ngoài giống y đúc, người chơi nghiệp dư gần như không thể sở hữu một cây vợt giống như thần tượng.
Roger Federer hiện đang quảng bá cho cây vợt Wilson Pro Staff RF97 Autograph. Đây là dòng vợt được Federer phối hợp thiết kế, sản xuất cùng Wilson với lần đầu ra mắt năm 2014 trước khi liên tục có những mẫu mã cải tiến.
Với danh tiếng và tầm ảnh hưởng lớn của Federer, Wilson thực sự ăn nên làm ra với các phiên bản khác nhau của Pro Staff RF 97, trong đó có 2 sản phẩm mới trong năm nay là Pro Staff 97 LS 2017 và Pro Staff 97 ULS 2017.
Thế nhưng trên thực tế, Federer không sử dụng đúng cây vợt mà người chơi đặt mua ở cửa hàng theo lời quảng cáo.
Vẫn là chiếc RF 97 Autograph với mặt vợt 97 inch vuông, mật độ dây 16x19 và nước sơn bằng công nghệ laze y hệt, song “thanh kiếm” thật của Federer có cán được thiết kế riêng, trọng lượng khi vung được điều chỉnh và đặc biệt là khối lượng nặng hơn nhờ những tấm chì được gắn thêm vào một số vị trí mà chỉ chủ nhân của nó mới rõ.
RF 97 Autograph trên thị trường vẫn là dòng sản phẩm cực kỳ chất lượng với những người chơi nghiệp dư, chỉ có điều đó không phải chiếc vợt giống với vũ khí mà thần tượng của họ như Federer lựa chọn ở các sân đấu tại Australian Open hay Wimbledon.
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người chơi phong trào thường xuyên than phiền trên các diễn đàn rằng các tay vợt chuyên nghiệp thực tế sử dụng mẫu cũ hơn, thậm chí là những chiếc vợt khác hoàn toàn nhưng được “trang điểm” cho giống với sản phẩm mới ra.
Vì thế mà năm 2013, Babolot từng bị một khách hàng ở California kiện khi cho rằng hãng này mập mờ với dòng chữ “chiếc vợt được chọn”, ám chỉ cây vợt này đã được một ngôi sao sử dụng. Babolat cho rằng đó là lý lẽ vô lý nhưng cuối cùng vẫn phải thương lượng với vị khách này để tránh việc ra tòa.
Nhắc tới Babolat không thể không kể đến Rafael Nadal. Những hình ảnh quảng cáo hay trên sân đấu của Nadal gắn liền với mẫu Pure Aero Play - phiên bản mới của dòng Aero Pro Drive. Tuy nhiên, thực chất đó là chiếc Aero Pro Drive Original đời đầu năm 2005!
Đúng là có thời điểm Nadal đã thử dùng mẫu Pure Aero nhưng sau vài giải đấu với kết quả không như ý, tay vợt người Tây Ban Nha đã trở lại với Aero Pro Drive Orginal. Và tương tự Federer, Nadal cũng dán thêm chì và điều chỉnh chất lượng, lực căng của sợi cước theo ý mình.
Người mua vợt có thể cảm thấy thất vọng khi không thể sở hữu cây vợt giống thần tượng, song có lẽ họ cũng chẳng thể trách ai vì nhà sản xuất cũng không khẳng định sản phẩm bán trên thị trường là loại vợt y chang các tay vợt chuyên nghiệp sử dụng.
Trên mỗi cây vợt của Head, nhà tài trợ cho Novak Djokovic và Andy Murray, còn khắc dòng chữ với thông điệp “các tay vợt có thể sử dụng những mẫu khác so với dòng vợt này”. Ngoài Head, Wilson cũng từ chối tiết lộ những thông tin cụ thể về vợt của VĐV chuyện nghiệp “vì sự tôn trọng”.
Trong khi đó, giám đốc điều hành Babolat ở Mỹ, Jerome Pin khẳng định: “Chúng tôi không làm gì sai. Hoàn toàn sai lầm khi cho rằng chúng tôi chỉ sản xuất sản phầm chất lượng cho ngôi sao và bán đồ kém chất lượng ra thị trường. Không có cơ sở nào đặc biệt cả, vợt của Nadal hay Tsonga đều được thiết kế trên một dây chuyền như nhau”.
Suy cho cùng, sự khác biệt dù cùng một loại vợt giữa ngôi sao và người chơi phong trào là điều hợp lý, bởi mục đích sử dụng cũng như sự chênh lệch về trình độ yêu cầu những tay vợt chuyên nghiệp phải có những điều chỉnh riêng.
Còn với nhà sản xuất, họ không thể chỉ dừng lại với một mẫu mã và để tiếp tục bán được nhiều hàng hơn, việc có phải sơn cây vợt cũ cho giống dòng vợt mới như Babolat làm với Nadal cũng là chuyện có thể hiểu được.