Quần vợt bị nghi cá độ gấp 9 lần bóng đá
Theo Hiệp hội an ninh thể thao châu Âu (ESSA), quần vợt là môn thể thao bị nghi có cá độ nhiều nhất trong quý 2 của năm nay.
Trong bản báo cáo mới nhất, ESSA cho biết, trong tổng số 41 trường hợp khả nghi thì có đến 34 (chiếm 83%) vụ việc liên quan đến quần vợt.
Con số này lớn hơn rất nhiều so với 4 trận đấu “có mùi” ở môn bóng đá, trong khi bóng chuyền bãi biển, bóng ném và snooker, mỗi môn có 1 trận đấu bị nghi ngờ xảy ra tiêu cực.
Theo ESSA, hơn một nửa những trận đấu khả nghi này xuất phát từ châu Âu. Cụ thể, 24 trường hợp diễn ra trong những sự kiện thể thao ở châu Âu, 10 trường hợp ở châu Á và châu Phi, 6 trường hợp ở châu Mĩ và 1 trường hợp không có địa điểm rõ ràng.
Trở lại với quần vợt, sau khi BBC và BuzzFeed News gây chấn động khi tuyên bố nắm giữ những bằng chứng về tình trạng dàn xếp tỷ số của các tay vợt hồi đầu năm, Ủy ban liêm chính quần vợt (TIU) đã thành lập một hội đồng độc lập để để điều tra vụ việc.
Chủ tịch ESSA Mike O’Kane nói rằng ông rất hoan nghênh việc làm này: “Thông qua việc tổ chức điều tra, các cơ quan, nhà quản lý của quần vợt đã có những bước tiếp lớn nhằm làm trong sạch bộ môn”.
“ESSA sẽ tiếp tục hỗ trợ quần vợt trong nỗ lực chống tiêu cực, và hy vọng nó sẽ sớm đem lại kết quả để trở thành hình mẫu cho những môn thể thao khác”.
Trong thời gian qua, cả TIU lẫn ESSA đều làm việc tích cực với Sportradar, công ty chuyên tổ chức, thu thập, cung cấp và xử lý dữ liệu trong thi đấu thể thao. Từ thông tin của Sportradar cũng như nhiều hãng cá cược, nhà cái lớn, TIU sẽ tiến hành phân tích để phát hiện những trận đấu có tỷ lệ đặt cược bất thường.
Theo TIU, số trận đấu đáng ngờ thời gian qua cao hơn nhiều so với báo cáo của ESSA. Trong quý 2, TIU đã nhận được tổng cộng 73 lời cảnh báo, với 34 trường hợp đến từ ESSA như đã biết. Trong số này, có 2 trận đấu trong khuôn khổ ATP Tour nhưng không có trường hợp nào xảy ra ở Roland Garros hay WTA Tour.
Cộng với 48 trận đấu ở quý 1, đã có 121 trận quần vợt bị nghi “nhúng chàm” trong 6 tháng đầu năm 2016. Mặc dù vậy, TIU khẳng định kết quả phân tích từ tỷ lệ đặt cược chỉ “biểu hiện khả nghi, chứ không thể coi đó là bằng chứng cho một hành vi tiêu cực”.
Hồi tháng 2 vừa qua, tờ Guardian tiết lộ một số trọng tài bị cấm hành nghề vì dàn xếp cá độ, trong đó có hành vi cập nhật thông tin trận đấu đang diễn ra lên hệ thống của Sportradar chậm hơn 60 giây để thao túng tỷ lệ đánh cược.