Top 5 cuộc trở lại ấn tượng nhất lịch sử tennis
Trong lịch sử tennis, có sự trở lại nào ấn tượng hơn so với tay vợt nữ Bulgaria hạng 123 thế giới Tsvetana Pironkova vừa thể hiện tại giải tennis US Open 2020?
5.Andy Murray
Được xem như một trong những nhà thể thao vĩ đại nhất của Anh ở 10 năm qua, tay vợt này có 3 danh hiệu Grand Slam và cú đúp vàng tại Olympic.
Anh vô địch Grand Slam đầu tiên tại US Open 2012, trở thành tay vợt Anh đầu tiên đăng quang Grand Slam từ sau Fred Perry năm 1936!
Những thành tích đó là cuộc quật khởi ngoạn mục sau khởi đầu sự nghiệp tưởng chừng chóng tàn của Murray.
Từ 18 tuổi, anh từng bị lật mắt cá chân trái. Đến năm 2011, anh lại rách dây chằng mắt cá chân phải. Bất chấp cả hai chân đều bất ổn, Murray đã vào chung kết Grand Slam 11 lần.
Đến đầu năm 2019, Murry phải lên bàn mổ để phẫu thuật ở hông lúc 31 tuổi. Từng tuyên bố giải nghệ, nhưng Murray đã nỗ lực hồi phục để 6 tháng sau, anh cùng Feliciano Lopez vô địch đôi nam tại Queen’s.
4.Venus Williams
Cô chị nhà Williams từng là một trong những thế lực đáng sợ nhất hệ thống WTA. Venus thống trị tennis đầu thập niên 2000 với 16 lần vào chung kết Grand Slam và thắng 7.
Nhưng vào năm 2009, sự nghiệp của Venus bị đe dọa nghiêm trọng do cô bị chuẩn đoán mắc Hội chứng Sjögren, một chứng bệnh gây tê mỏi ở tay và chân, đau khớp và cơ, có nguy cơ bị ung thư hạch.
Hậu quả là Venus luôn mệt mỏi trước và sau trận đấu. Những cú đánh của cô mất hẳn uy lực vốn có. Venus tụt hạng nhanh chóng. Suốt 8 năm, từ 2009 đến 2017, Venus không vào nổi chung kết đơn nữ Grand Slam nào.
Nhưng tại Australian Open 2017, Venus xuất sắc vào đến chung kết rồi thua cô em Serena Williams 6-4, 6-4. Kỳ tích đó trở thành nguồn động lực lớn lao cho bất cứ ai bị bệnh nặng như Venus.
3.Roger Federer
Anh được xem như tay vợt tennis vĩ đại nhất lịch sử, chí ít là về thống kê. Anh đang giữ kỷ lục 20 lần vô địch đơn nam Grand Slam. Anh được khán giả yêu thích cả trong lẫn ngoài sân do tài năng lẫn thái độ.
Nhưng vào năm 2016, Federer đang tiến băng băng bỗng suy yếu hẳn do bị rách sụn chêm ở đầu gối, buộc phải nghỉ đánh 5 tháng. Khi trở lại, anh bị thêm chứng đau lưng, ảnh hưởng lớn đến khả năng di chuyển.
Ngỡ như sự nghiệp của Federer chấm hết sau khi anh tái phát chấn thương đầu gối vào cuối năm 2016 ở bán kết Wimbledon gặp Milos Raonic.
Federer nghỉ hết phần còn lại của mùa 2016. Nào ngờ sang năm 2017, anh hồi sinh ngoạn mục. Sau 5 năm không danh hiệu lớn, lão tướng 35 tuổi bỗng dưng thi đấu sung như tuổi 25, có ngôi vô địch Australian Open thứ 5 và Wimbledon thứ 8.
2.Monica Seles
Cô gái Nam Tư thống trị quần vợt nữ đầu thập niên 1990 với 7 Grand Slam chỉ từ 1990-1993. Năm 1991, Seles bỏ lỡ cơ hội thâu tóm trọn bộ Grand Slam trong 1 năm do chấn thương trước Wimbledon.
Giữa lúc đang chèn ép cựu số 1 thế giới Steffi Graf, Seles bất ngờ bị đâm khi thi đấu ở Đức. Sự cố ảnh hưởng lớn tới tâm lý, buộc Seles phải chia tay quần vợt trong 28 tháng.
Giữa lúc mọi người cho rằng Seles nghỉ đấu hẳn, cô trở lại vào tháng 8/1995. Ngay lập tức, cô tiến vào chung kết US Open cuối tháng đó để đấu với Graf. Đến đầu năm sau, Seles vô địch Australian Open, hoàn tất cuộc trở lại xuất sắc.
1.Novak Djokovic
Chấn thương suýt nữa đã chấm dứt sớm sự nghiệp của Djokovic. Sau khi giành danh hiệu Grand Slam thứ 12 vào tháng 6/2016 và đó là chiến thắng đầu tiên của Djokovic tại Roland Garros, anh bị đau khuỷu tay mãn tính và phải ngồi ngoài phần lớn mùa giải 2017 để hồi phục.
Đến tháng 1/2018, sau khi thua Chung Hyeon, Djokovic quyết định phẫu thuật để dứt điểm cơn đau hành hạ gần 2 năm qua. Lúc đó, anh thú nhận không còn thích tennis nên muốn giải nghệ.
Nào ngờ sau đó, Djokovic vô địch Wimbledon 2018 rồi có thêm 4 Grand Slam đơn nam nữa để nâng số danh hiệu lớn lên 17.
Còn trong năm 2020 thì nếu không tính trận bị xử thua ở US Open, anh đang toàn thắng trên đường hướng tới Roland Garros 2020.