Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, Giải tennis Wimbledon có "hút máu" khán giả hay không
Sau 15 phút đi bộ từ ga tàu điện ngầm Southfields xuống dốc đến câu lạc bộ Toàn Anh ngang qua Wimbledon Park Sports, vô số "cạm bẫy" giăng sẵn chờ cơ hội khiến khán giả phải móc hầu bao. Đầu tiên là một tấm biển quảng cáo khăn tắm với mức giá 39 bảng 1 chiếc, 2 chiếc giá 70 bảng (tương đương từ 1,2 - 2,1 triệu đồng). Kế đến là một quán cà phê DropShot. Ở gần đó là địa điểm bán mũ Panama với chiếc gương soi toàn thân để khách hàng ngắm nghía.
Đến gần khu vực sân thi đấu, khán giả có thể giải cơn khát với những ly rượu Pimm giá 11,20 bảng, gần 350 ngàn đồng, hoặc mua hẳn 1 bình với giá 32,6 bảng, hơn 1 triệu đồng. Giống như mọi sự kiện thể thao khác hiện nay, ban tổ chức Wimbledon rõ ràng hy vọng khán giả tiêu pha càng nhiều càng tốt. Do đó, không khó thấy những quả bóng có chữ ký khổng lồ với giá rao bán 22 bảng Anh, gần 700 ngàn đồng; 9,7 bảng cho một ly rượu vang, tương đương 300 ngàn đồng và 12 bảng Anh (khoảng 370 ngàn đồng) cho một tờ chương trình chính thức...
Tuy nhiên, Wimbledon vẫn tuân thủ quy tắc "thuận mua, vừa bán". Một phần ăn ở đây có giá 75 bảng (khoảng 2,3 triệu đồng), nhưng bao gồm tới 5 món. Nếu điều kiện tài chính có hạn, khán giả được phép mang theo thức ăn, đồ uống riêng, chỉ có điều là không được phép đựng trong hộp cứng do an ninh đã cấm từ năm 2005 vì lo ngại loại hộp này dễ dàng cất chứa những thứ bị cấm.
Đáng chú ý không kém là cho dù các quầy hàng mọc lên nhan nhản quanh sân Wimbledon với mục tiêu moi tiền khán giả, giá cả chưa hẳn quá đắt. Không hề bất ngờ trước giá của 1 ly rượu Pimms, một khán giả giải thích: "Khoảng 12 bảng là bình thường, bởi vì tại Triển lãm hoa Chelsea vài tuần trước, giá của chúng là 14 bảng”.
Vì sống trong khu vực có sân Wimbledon, một cặp đôi được mua vé cộng đồng với giá 90 bảng mỗi vé (khoảng 2,8 triệu đồng) và cho biết: “Tôi nghĩ giá vé rất đáng đồng tiền bát gạo, vì bạn phải trả 60 hoặc 70 bảng Anh (1,8 - 2,1 triệu đồng) để xem một trận bóng đá diễn ra chỉ trong 2 giờ. Ít nhất ở đây bạn có được một ngày trọn vẹn".
Tại Wimbledon, các gian hàng nhượng quyền mọc lên vô số. Áo len dệt kim có khóa kéo kèm logo chính thức của giải Grand Slam sân cỏ có giá đến 130 bảng (4 triệu đồng). Khán giả có thể mua một cây vợt khổng lồ với mức giá hấp dẫn là 600 bảng, tương đương 18,5 triệu đồng. Nhưng điều quan trọng là Wimbledon không kinh doanh quá "trần trụi".
Nơi đây vẫn có những logo của các thương hiệu, nhưng không nhiều bằng các sự kiện lớn tương tự. Không có những bức ảnh khổng lồ quảng bá bánh mì kẹp thịt, mà chỉ có các thực đơn viết rõ ràng, gọn gàng. Không có biển quảng cáo xung quanh sân và chắc chắn không có đối tác cá cược chính thức. Xung quanh Wimbledon có rất nhiều thứ được rao bán, nhưng khán giả hiếm khi có cảm giác mình bị "hố". Dòng người xếp hàng đông nhất vẫn là để mua dâu tây và kem với giá mỗi phần là 2,5 bảng (77 ngàn đồng) được duy trì suốt 10 năm qua.
Nói cách khác, Wimbledon có nhiều "cạm bẫy", nhưng không ép buộc khán giả phải mắc bẫy. Bên cạnh đó, Grand Slam sân cỏ có những tiện ích dành cho khán giả. Một số đài phun nước dùng để khán giả đổ đầy chai nước. Nhiều băng ghế ngồi nghỉ ngơi miễn phí trong không gian rộng lớn. Những phiên bản chiếc Cúp bằng bìa cứng mời chào du khách đến để nhân viên ở đây hỗ trợ chụp hình miễn phí... Đặc biệt, vé vào sân với giá 27 bảng, khoảng 800 ngàn đồng trong tuần đầu tiên của Wimbledon được xem như một trong những vé "đáng đồng tiền, bát gạo" nhất trong thể thao Anh.