US Open 2017: Mùa vắng những ngôi sao
Grand Slam luôn là giải đấu quy tụ hầu hết những tay vợt lớn nhất của làng banh nỉ, ngoại trừ US Open năm nay mà nguyên nhân có thể khiến ATP phải đổi luật.
Cuối tuần qua, sau nhiều nỗ lực và trì hoãn suốt 2 tháng, Andy Murray sau cùng đã phải thông báo rút lui khỏi US Open vì không kịp bình phục chấn thương hông, nguyên nhân khiến anh thất bại tại Wimbledon và không thể góp mặt ở 2 giải Masters 1000 gần đây.
Nhưng Murray không phải người duy nhất. Năm trong số Top 11 tay vợt hàng đầu hiện nay cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự Murray với những chấn thương khác nhau: Novak Djokovic là khuỷu tay, Stan Wawrinka đau gối trong khi cổ tay đang hành hạ Kei Nishikori và Milos Raonic.
Có lẽ đã rất lâu rồi, một giải Grand Slam mới lại thiếu vắng nhiều ngôi sao đến như vậy, và nguyên do khiến các tay vợt chấn thương, dù không phải vấn đề mới nhưng chưa bao giờ hết nóng, đó chính là bởi lịch thi đấu dày đặc.
Tuy y học ngày càng phát triển và các tay vợt ngày một khoẻ hơn nhưng như vậy là chưa đủ khi một tay vợt thương phải thi đấu xấp xỉ 11 tháng trong năm, nghĩa là họ chỉ có khoảng 1 tháng thực sự được nghỉ ngơi.
“Phần lớn chấn thương trong quần vợt do thi đấu quá sức”, Phó Chủ tịch Ban Y tế ATP Todd Ellenbecker nói: “Nó đến từ những tổn thương nhỏ, được lặp đi lặp lại cho đến khi vị trí đó quá tải và khiến cơ thể quá khả năng chịu đựng”.
Thông thường trong 12 tháng, một tay vợt trong Top 30 phải thi đấu 4 Grand Slam, 8 Masters 1000 và 4 giải đấu khác. Với nhóm tay vợt hay đi tới trận bán kết hay chung kết, lịch thi đấu của họ còn “khó thở” hơn.
Lấy ví dụ như mùa giải năm ngoái, Murray thi đấu 87 trận, Nishikori là 79 trận và Djokovic là 74 trận. John McEnroe ở mùa giải 1984 từng chơi 85 trận, song sự khắc nghiệt về tính chất trận đấu ở thời điểm đó khó có thể sánh bằng bây giờ, cả về số lượng và chất lượng.
“Không chỉ đơn thuần là số trận mà phải dựa trên diễn biến, số set, thời gian thi đấu trên sân và số lần tay vợt thi đấu liên tục mà không được nghỉ”, ông Ellenbecker phân tích: “Nếu ai có tiền sử chấn thương lưng, hông hay vai, họ thực sự phải rất nỗ lực để duy trì thể lực qua từng tuần thi đấu”.
Quả thực đó là nhiệm vụ không hề đơn giản và thậm chí bất khả thi khi có những thời điểm các giải Masters 1000 nối tiếp nhau, như Indian Wells và Miami cuối tháng 4, Madrid và Rome vào tháng 5 và tháng 8 này là Montreal-Cincinnati.
Đó là chưa kể những tay vợt giành suất dự ATP World Tour Finals vào cuối tháng 11 hay các tuyển thủ thi đấu trận chung kết Davis Cup. Khi đó, họ chỉ có khoảng 6 tuần nghỉ ngơi, phục hồi và rồi lại tập luyện để chuẩn bị cho mùa giải mới.
Ngoài vấn đề ở lịch thi đấu, sức khoẻ của các tay vợt còn gặp ảnh hưởng bởi hai yếu tố khác là mặt sân và bóng thi đấu. Về mặt sân, phần lớn các giải đấu trong năm diễn ra trên mặt sân cứng, loại sân được đánh giá là dễ chấn thương và gây nhiều tổn hại nhất tới cơ thể, nhất là phần bàn chân và cổ chân khi khả năng di chuyển hay trượt (như sân đất nện) bị hạn chế.
Còn về bóng thi đấu, việc không thống nhất một loại bóng ở các giải được coi là một trong những nguyên nhân khiến chấn thương ngày một xuất hiện nhiều hơn. Không ít các tay vợt phản đối chuyện đổi bóng qua mỗi giải, trong đó có Rafael Nadal.
“Thi đấu ở Toronto và Cincinnati là một loại bóng, còn khi chơi tại Mỹ lại là quả bóng khác. Đó là một việc làm rất tồi”, Nadal phàn nàn trước thềm US Open.
Cụ thể là những giải sân cứng tại Bắc Mỹ, loại bóng được sử dụng là của hãng Penn, trong khi bóng Wilson được dùng ở US Open. Trước đó ở mùa đất nện, Dunlop là bóng dùng cho Rome Masters và Madrid Open nhưng Babolat mới là hãng tài trợ bóng cho Roland Garros.
“Điều đó gây tác động xấu tới cổ tay, khuỷu tay và vai. Nó không tốt chút nào”, Nadal nói: “Tôi hiểu đây còn là chuyện hợp tác giữa các bên, nhưng chẳng lẽ không có giải pháp nào?”
Tất cả những vấn đề trên đều đang được ATP nghiên cứu và nhiều khả năng sẽ đưa ra những điều luật đủ sức nặng vào năm 2019. Còn từ giờ tới lúc đó, có lẽ số giải đấu vắng mặt nhiều ngôi sao như US Open năm nay sẽ vẫn còn gia tăng.