Vì sao nhiều tay vợt hàng đầu đồng loạt chấn thương?
Dù thể trạng của các tay vợt ngày càng đạt tới những giới hạn mới, song lịch thi đấu dày đặc cũng đang khiến cho những người khoẻ nhất làng banh nỉ phải gục ngã.
Trước khi Miami Open năm nay khởi tranh, nổi bật trên tấm banner quảng cáo là hình ảnh và những dòng chữ bôi đậm “Federer, Serena, Nadal, Venus Williams, Novak Djokovic, Andy Murray”.
Tuy nhiên, khi giải đấu khởi tranh, lần lượt Serena, Murray và Djokovic rút lui vì chấn thương, trong khi Venus dự giải với cơn đau ở bắp đùi trái và khuỷu tay phải.
Các ngôi sao còn lại cũng đã và đang gặp những vấn đề sức khỏe: Federer nghỉ gần hết năm ngoái với chấn thương đầu gối, Del Potro vẫn trong quá trình hồi phục sau hàng loạt ca phẫu thuật cổ tay, còn Nadal vốn bị hành hạ bởi chấn thương suốt 8 năm qua.
Chấn thương luôn là một phần của thể thao nói chung. Với quần vợt, điều đó đang thực sự trở nên đáng lo ngại khi tay vợt nam số 1 và số 2 thế giới, cũng như nhiều đồng nghiệp khác trong Top 30 và cả các tay vợt nữ hàng đầu đồng loạt phải ngồi ngoài thời gian gần đây.
Nếu như Simona Halep, Garbine Muguruza và Madison Keys vật lộn với chấn thương mùa trước thì Top 10 các tay vợt nam cũng từng ít nhất 1 lần rút lui khỏi giải hoặc bỏ cuộc trong vòng 12 tháng qua
Đằng sau chấn thương hàng loạt của các tay vợt Top đầu
Lịch thi đấu quá dày đặc là nguyên nhân chính khiến nhiều tay vợt gặp vấn đề về sức khỏe ở thời điểm đầu năm. Ví dụ như Murray, tay vợt số 1 thế giới kết thúc 87 trận đấu mùa 2016 vào ngày 20/11 trước khi trở lại thi đấu mùa giải mới bắt đầu từ ngày 30/12. Nói cách khác, kỳ nghỉ của Murray chỉ diễn ra vỏn vẹn chưa đầy 6 tuần.
Hậu quả là Muray đang phải chữa trị chấn thương khuỷu tay và bệnh cúm. Trước đó, tay vợt Vương quốc Anh cũng dính zona thần kinh, một phần nguyên nhân khiến cơ thể Murray rệu rã.
Bác sĩ Richard Berger, người từng phẫu thuật cho Del Potro, chỉ ra lý do: “Đang có quá nhiều giải đấu ở cả WTA và ATP. Không có đủ thời gian phục hồi khi các trận đấu ngày càng quyết liệt hơn, thậm chí phần lớn các giải đấu còn không có ngày nghỉ. Các tay vợt phải có khả năng của siêu nhân mới trụ được”.
Chuyên gia phục hồi trong thể thao Michael Davison thì cho rằng: “Khối lượng tập luyện nặng, sự mệt nhọc bị tích lũy và việc tương tác chưa tốt với huấn luyện viên, đội ngũ y tế là những nguyên nhân khác. Ngoài ra, việc phải thi đấu trên 3 mặt sân khác nhau suốt năm cũng là một vấn đề”.
Không có kỳ nghỉ đủ giải sau mùa giải khiến các tay vợt rất dễ gặp chấn thương trong khoảng 3 tháng đầu năm. Tình trạng này đang trở nên phổ biến những năm gần đây, trong đó mùa 2016 chứng kiến Milos Raonic, Muguruza, Petra Kvitova và Agnieszka Radwanska vật lộn với sức khỏe của mình khoảng giữa tháng 1 và tháng 3.
Khi đã may mắn lành lặn sau vài tháng đầu năm, các tay vợt sẽ tiếp tục đối mặt với phần còn lại của mùa giải cũng không hề dễ chịu với liên tiếp các tour đấu đến tháng 11. Không ít trong số đó là những giải quan trọng với số tiền thưởng hấp dẫn.
Nhiều người tin rằng sức khỏe đi xuống của Murray gần đây có một phần nguyên nhân do khối lượng tập luyện nặng hồi tháng 12. Trong khi đó, cựu số 1 thế giới Jelena Jankovic từng thừa nhận: “Chúng tôi không muốn nghỉ thi đấu nhiều vì có thể rớt hạng. Chúng tôi chỉ muốn trở lại sân đấu dù nhiều lúc cũng biết là quá sớm”.
Theo bác sĩ Berger, những vấn đề trên sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng: “Các vận động viên ngày nay đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng một khi dính chấn thương, họ rất khó lòng trở lại khả năng tốt nhất của mình với những gì cơ thể đã chịu đựng trong thời gian dài, nhất là khi thời gian nghỉ ngơi quá ít và cường độ thi đấu lại rất nặng”.
Giải pháp nào cho các tay vợt?
Kéo dài kỳ nghỉ và rút bớt số trận đấu là điều đầu tiên mà ai cũng có thể nghĩ tới. Thực tế ATP trước đây cũng đã giảm số lượng giải đấu mỗi năm và thay đổi thể thức các trận chung kết Masters, từ đánh 5 set xuống còn 3 set.
Một giải pháp khác là nâng cao nhận thức phòng ngừa chấn thương từ chính các tay vợt. Bác sĩ Berger khuyến khích và muốn vận động viên thực sự coi trọng những bài tập phục hồi, các buổi vật lí trị liệu chuyên dụng và hiện đại ngày nay. Có như vậy, mỗi tay vợt mới hiểu rõ hơn tình trạng của cơ thể nhằm giảm bớt nguy cơ vận động quá nặng dẫn đến chấn thương.
Dù vậy, kể cả khi y học có hiện đại tới đâu và các tay vợt ý thức tốt hơn về sức khỏe, điều quan trọng nhất cần thay đổi là lịch thi đấu như đã nói ở trên. Bởi có những bộ phận, như gân, dây chằng, rất khó bảo vệ nếu phải hoạt động liên tục, bất kể sử dụng biện pháp gì đi nữa.
Trong khi chờ đợi một sự điều chỉnh đột phá, các tay vợt cũng đã tự có những tính toán riêng. Federer sẵn sàng bỏ qua một loạt giải đấu mùa đất nện sắp tới để giữ sức trước khi tới Roland Garros hay xa hơn là Wimbledon, trong khi kịch thi đấu dự kiến mùa này của Nadal cũng không còn nhiều những giải ATP 500 như trước.
Djokovic và Serena được tin rằng không gặp phải chấn thương nghiêm trọng, cả hai đơn thuần không muốn mạo hiểm trước giải Grand Slam thứ 2, vì vậy đã chủ động không tham dự Miami Open.
Với Djokovic, có thêm thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp anh hồi phục thể lực sau những mệt mỏi tích tụ trong 5 năm qua, khoảng thời gian Nole vắng mặt trong rất ít sự kiện.
Tay vợt người Serbia nhận thức rõ tác dụng của việc nghỉ thi đấu có thể giúp ích lâu dài, điều mà Federer và chị em nhà Williams đã chứng minh thực tế.
Với người hâm mộ, ngoài việc hy vọng những ngôi sao lớn tiếp tục khỏe mạnh, có lẽ cũng cần làm quen nếu nghe tin một tay vợt lớn nào đó rút lui ở các giải đấu sắp tới.