Wimbledon tuyên chiến với những vấn nạn tiêu cực
Wimbledon, giải Grand Slam thứ 3 trong năm, là một trong những giải đấu lâu đời và danh giá nhất lịch sử quần vợt thế giới. Trải qua 139 năm lịch sử, Wimbledon luôn tự hào là một trong những giải đấu đặc biệt và khác biệt nhất so với các giải đấu khác.
“Chúng tôi luôn hướng đến những tiêu chuẩn vàng”, Giám đốc điều hành Richard Lewis cho biết trong buổi họp báo về Wimbledon năm nay. Nó không chỉ là sự hoàn hảo tới từ mặt cỏ, lòng mến khách của người dân London hay những trang thiết bị hiện đại nhất với việc có thêm một sân đấu nữa được lắp đặt mái che, Wimbledon năm nay còn hướng tới "tiêu chuẩn vàng" về sự trong sạch bằng việc tuyên chiến mạnh mẽ với nạn cá độ, dàn xếp tỷ số và doping.
Đầu năm 2016, tennis bị đặt dưới sự soi xét kỹ lưỡng với những cáo buộc dàn xếp tỷ số của 2 hãng tin lớn ở Anh là BBC và Buzzfeed News. Chưa hết, đúng vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, một trong những ngôi sao lớn nhất của môn thể thao này, cựu vô địch Wimbledon Maria Sharapova tuyên bố cô dương tính với chất cấm meldonium. Tay vợt người Nga đã bị đình chỉ thi đấu để chờ phán xét cuối cùng, trong khi những nhà chức trách cũng đã lập ra một hội đồng độc lập, đứng đầu là luật sư Adam Lewis QC (QC là dạng luật sư cao cấp được công nhận bởi tòa án và có quyền tham gia các phiên tòa tại Anh) để điều tra những vấn nạn tiêu cực trong tennis.
Mới đây nhất, Rafael Nadal đã gửi những hồ sơ cần thiết lên tòa án tại Paris để kiện bà Roselyne Bachelot, cựu bộ trưởng Y tế và Thể thao Pháp, vì cáo buộc anh sử dụng doping trên một chương trình truyền hình.
Với những người điều hành Wimbledon, họ không thể làm ngơ trước việc hình ảnh của quần vợt đang ngày càng xấu xí trong mắt người yêu thể thao. Chủ tịch Wimbledon, Philip Brook tuyên bố sẽ có những biện pháp mạnh tay để chống lại nạn tiêu cực này. Năm nay, tất cả các trận đấu tại vòng đấu chính, bao gồm những trận đấu vòng loại, sẽ được ghi lại chi tiết.
BTC Wimbledon cũng sẽ làm việc với Cơ quan liêm chính quần vợt (TIU) và các tổ chức cá cược để tăng cường giám sát, phân tích dữ liệu cùng tỷ lệ đặt cược qua từng trận đấu. Dĩ nhiên, chưa thể coi điều bất thường trong các kèo cá cược là bằng chứng của việc một trận đấu có bị dàn xếp hay không, song TIU sẽ mở ngay một cuộc điều tra nếu phát hiện thêm những dấu hiệu tiêu cực khác.
Ngoài ra, tất cả trọng tài, các tay vợt và cả những nhà cái sẽ phải trải qua khóa học thuộc chương trình “Bảo vệ sự trong sạch của quần vợt” (TIPP), nhận thức được vai trò của mình như lớp phòng thủ đầu tiên trong việc phát giác bất kỳ hành vì đáng ngờ nào.
Điểm quan trọng nhất của kế hoạch chống gian lận năm nay của Wimbledon chính là “chiến dịch” kiểm tra doping được cho là gắt gao “chưa từng có”. Cụ thể, các tay vợt sẽ phải trải qua các buổi kiểm tra chất cấm ở những giải tiền Wimbledon, thậm chí luôn phải sẵn sàng nhận lịch kiếm tra ngay cả những lúc không thi đấu. Tất cả những cuộc kiểm tra thêm này sẽ được tiến hành bởi một tổ chức độc lập, đó là Cơ quan chống doping Anh quốc (UKAD).
Một điều đặc biệt nữa, Wimbledon cũng chính là một trong những đơn vị cùng sáng lập nên TIU, tổ chức phòng chống tiêu cực của tennis. Dù không tiết lộ chi tiết mức độ thực hiện, số tiền bỏ ra hay bao nhiêu mẫu thử sẽ được kiểm tra song đây chính là một bước tiến lớn của Wimbledon.
Tổng tiền thưởng của Wimbledon năm nay là 28,1 triệu bảng (tăng 5% so với năm ngoái), trong đó nhà vô địch sẽ nhận 2 triệu bảng, tương đương khoảng 2,9 triệu USD (tăng 6,4%).
Tại sao Wimbledon quyết tâm thực hiện những biện pháp cứng rắn để tìm kiếm sự minh bạch?
Thứ nhất, họ muốn tự bảo vệ mình trước những tiêu cực có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Wimbledon là một trong những giải đấu quan trọng trong thế giới thể thao và họ không muốn bất kỳ sự ảnh hưởng xấu nào lên giải đấu đã 139 năm tuổi. Thứ hai, như một cách để thể hiện sự đặc biệt, Wimbledon muốn là người tiên phong để 3 giải Grand Slam còn lại (Australian Open, Roland Garros và US Open) có những hành động mạnh mẽ tương tự.