Bóng đá Nga đang mai một dần "tinh thần thép"
Trong danh sách dự VCK EURO 2016, Leonid Slutsky triệu tập tới 22 tuyển thủ đang thi đấu trong nước. Vậy là chỉ có Anh sử dụng ít "ngoại binh" hơn Nga.
Lý do Nga chỉ có 1 “ngoại binh”
Dĩ nhiên, tình huống tạo ra tình cảnh của hai đội không giống nhau, nhưng thật trớ trêu khi tâm thế của các tuyển thủ Anh và Nga khá tương đồng, nên lý giải tại sao Anh thường gây thất vọng mà Nga cũng thế.
Nguyên nhân của “Tam sư” sớm mổ xẻ nhiều rồi, còn vấn đề của Nga: Quy định “6+5” khiến giá trị cầu thủ bản địa vượt xa giá trị thật, nên họ không còn động lực phấn đấu để ra nước ngoài chơi bóng. Một phần do các ngôi sao Nga từng thất bại thảm hại ở xứ người, mặt khác do ra nước ngoài, họ phải cố gắng gần như tuyệt vọng mà chưa hẳn kiếm được mức lương vốn chỉ cần dạo chơi trên sân cũng có thể đạt được tại giải VĐ Nga.
“6+5” khiến cầu thủ Nga mất động lực phấn đấu
Trong bối cảnh hiện nay, Leonid Slutsky triệu tập 1 ngoại binh là Roman Neustadter (Schalke, chào đời tại Dnipropetrovsk nhưng trưởng thành ở Đức) rõ ràng đã vượt quá mong đợi, ít nhất là so với thành phần Nga tại World Cup 2014 không có cầu thủ nào chơi bóng ở nước ngoài.
Bởi lẽ, quy định “6+5” mà ban tổ chức giải VĐ Nga RFPL (Russian Football Premier League) đang vận dụng có nghĩa là mỗi đội trên sân luôn phải có ít nhất 5 cầu thủ bản xứ. Mục tiêu của RFPL đương nhiên rất tích cực: Ngăn chặn là sóng “lính đánh thuê” ồ ạt vào sân cỏ Nga và tạo điều kiện tối đa để các “cây nhà, lá vườn” thể hiện.
Nào ngờ, quy định “6+5” đang gây tác dụng phụ do biến các cầu thủ Nga trở thành “sản phẩm cao cấp” mà các ông chủ giàu có của các CLB phải chiêu mộ bằng mọi giá để đáp ứng số lượng trên sân. Hậu quả là trong thời gian qua, phí chuyển nhượng cùng mức lương dành cho cầu thủ Nga tăng vọt, hơn xa giá trị thực của họ. Bằng chứng là trong 70 cầu thủ đang hưởng lương cao nhất làng bóng Nga, có tới 17 trong số đó vừa được điền tên vào danh sách 23 học trò của Leonid Slutsky tới Pháp.
Người ngon lành nhất là Aleksandr Kokorin hiện xếp thứ 2 với mức lương 130.000 euro/tuần. Và 15 trong số các tuyển thủ Nga dự VCK EURO 2016 có mức lương tối thiểu 50.000 euro/tuần, vượt hơn nhiều đồng nghiệp đang thi đấu tại Bundesliga, Serie A, Ligue 1 hoặc La Liga, thậm chí cả Premier League.
Các cầu thủ Nga càng khoái đá ở quê nhà do chỉ chịu thuế khá thấp (13%). Do đó, họ chẳng còn động lực thi đấu nhằm thu hút sự chú ý của các CLB nước ngoài, vì ở trong nước vẫn kiếm được khối tiền mà chẳng phải cực thân.
Cùng một thực trạng, nhưng nay khác xưa
Tất nhiên là khi đề cập đến danh sách của Leonid Slutsky, không thể phớt lờ sự thật là tại EURO 2008, Nga đạt thành tích tốt nhất khi vào đến bán kết dù đội hình chỉ có đúng 1 “ngoại binh” là Ivan Saenko (Nuremberg – Đức).
Vấn đề chỉ là Nga 2008 khác hẳn Nga 2016 do lúc trước, các học trò của Guus Hiddink nhập cuộc với quyết tâm tìm cơ hội ra nước ngoài, còn giờ đây, khi Bộ trưởng Thể thao Vitaly Mutko yêu cầu rút số ngoại binh trên sân từ 7 xuống 6 ngay mùa 2015/16 và giới hạn số cầu thủ nước ngoài ở mỗi đội chỉ còn tối đa 10 người, các ngôi sao Nga thiếu hẳn động cơ thể hiện vượt quá khả năng vốn có nên không dễ kỳ vọng xuất hiện những hiện tượng như Alan Dzagoev cách nay 4 năm.
Nhiệt tình thi đấu của Nga càng khó nâng lên vì nhiều ngôi sao trước đây đã thất bại thảm hại ở nước ngoài. Yuri Zhirkov rời CSKA Moscow đến Chelsea với phí chuyển nhượng kỷ lục của một cầu thủ Nga là 20 triệu euro ở Hè 2009 là một ví dụ, khi anh chưa từng khẳng định được vị trí chính thức nên 2 năm sau bị bán cho Anzhi Makhachkala.
Roman Pavlyuchenko là nỗi thất vọng khác do chưa bao giờ tái hiện được hình ảnh tại EURO 2008 ở Tottenham nên phải quay về Lokomotiv Moscow năm 2012. Đặc biệt là trường hợp của Andrey Arshavin: Ngôi sao Nga sáng nhất ở EURO 2008 thi đấu thất thường và tàn lụi dần ở Arsenal.
EURO 2016 trở thành thuốc thử cho World Cup 2018
Vô tình tạo điều kiện để các tài năng lớn nay chỉ còn luẩn quẩn ở “ao làng” và thiếu tinh thần cầu tiến ngay cả khi còn quy định “7+4” chứ chưa bàn tới “6+5”, Nga vốn thiếu tinh thần “thép” như truyền thống của Liên Xô (thường đá “bốc” hẳn khi dẫn bàn nhưng xìu hẳn nếu bị dẫn trước), nay càng khó phát huy hết sức mạnh thật sự.
VCK EURO 2012 có thể xem như một ví dụ, khi đội ngũ có 3 “ngoại binh” của Nga tuy bị loại sớm do thua Hy Lạp 0-1 ở trận cuối nhưng chí ít còn để lại ấn tượng bằng khởi đầu hạ CH Czech 4-1. Còn tại World Cup 2014, đoàn quân “toàn Nga” thậm chí không thắng nổi trận nào ở bảng H cực nhẹ với Bỉ, Hàn Quốc và Algeria là đại diện duy nhất của châu Phi phải cần tới luật bàn thắng ghi trên sân đối phương mới được đến Brazil.
Điều trớ trêu là bóng đá Nga thật ra hiện chẳng thiếu tài năng. Sự hỗ trợ của các nhà tài phiệt giúp xây dựng và vận hành các học viện bóng đá cùng những thành công mới đây như vô địch U.17 châu Âu 2013 hoặc vào chung kết U.19 châu Âu 2015 chứng tỏ một thế hệ tài năng mới đang sẵn sàng trỗi dậy.
Nhưng nếu quy định “6+5” còn tồn tại (ít nhất hết mùa 2016/17), họ sẽ trở thành những đứa bé được nuông chiều, thay vì các chiến binh. Đến lúc đó, đừng kỳ vọng Nga tạo dấu ấn tại World Cup 2018 trên sân nhà. Cho rằng VCK EURO 2016 trở thành thuốc thử chính là vì vậy.