Bóng rổ xe lăn Paralympic: Nỗi đau thể xác không thể ngăn cản tình yêu trái bóng cam
Lịch sử hình thành
Bóng rổ xe lăn xuất hiện vào khoảng năm 1945 tại Mỹ, tồn tại dưới dạng một hình thức phục hồi chức năng cho các thương binh trong Thế chiến II. Cùng thời điểm đó, Sir Ludwig Guttmann đã phát triển một môn thể thao tương tự gọi là Netball xe lăn tại Bệnh viện Phục hồi chức năng cột sống ở Stoke Mandeville, Vương quốc Anh.
Kể từ khi đội tuyển Hoa Kỳ tham dự Đại hội Thể thao Xe lăn Quốc tế Stoke Mandeville, sự quan tâm dành cho môn Bóng rổ xe lăn ngày một tăng cao, khiến môn bóng rổ này phát triển khắp châu Âu.
Đến năm 1960, môn Bóng rổ xe lăn đã được phổ biến toàn cầu và xuất hiện tại Paralympic ở Roma, Italia. Hiện này, môn thể thao này đã xuất hiện ở gần 100 quốc gia.
Bóng rổ xe lăn đã phát triển thành một môn thể thao Paralympic có nhịp độ nhanh, độc đáo. Tại Rio 2016, 12 đội nam và 10 đội nữ tham dự Thế vận hội dành cho người khuyết tật để cạnh tranh huy chương.
Ở nội dung của nam, người Mỹ giành nhiều huy chương Vàng nhất, nhưng sự thống trị của họ gần đây đã bị Australia và Canada làm lu mờ. Hai quốc gia này đã tạo nên cặp đấu chung kết của 3 trong 4 kỳ Paralympic gần đây nhất.
Tại nội dung của nữ, các quốc gia châu Âu như Đức và Hà Lan đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, nhưng người Mỹ tìm lại vị thế với 3 tấm HCV trong 4 lần gần nhất tham dự Đại hội.
Ngoài Paralympic, bóng rổ xe lăn còn có giải vô địch thế giới được tổ chức 4 năm một lần, giải đấu gần nhất được tổ chức vào năm 2018 tại Hamburg Đức, đội tuyển Anh giành chức vô địch nam, trong khi Hà Lan vô địch nội dung nữ.
Luật chơi và các quy định
The International Wheelchair Basketball Federation (IWBF) là cơ quan chủ quản của bộ môn bóng rổ xe lăn, được Uỷ ban Paralympic Quốc tế (IPC) và Liên đoàn bóng rổ Thế giới (FIBA) công nhận.
Bóng rổ xe lăn giữ lại hầu hết quy tắc chơi và tính điểm như bóng rổ truyền thống, sân đấu cũng giữ kích cỡ tiêu chuẩn như bóng rổ 5 người theo luật FIBA. Mấu chốt nằm ở chiếc xe lăn được thiết kế đặc biệt để phù hợp với bộ môn bóng rổ.
Ghế của các hậu vệ thường được thiết kế thấp hơn để dễ dàng di chuyển, trong khi ghế xe lăn của các trung phong được thiết kế cao hơn để giúp các VĐV nắm lợi thế trong những tình huống rebound, tuy nhiên những những con số thiết kế đều được quy định chặt chẽ để tạo nên sự công bằng.
Nền móng của Paralympic
Bóng rổ xe lăn là một trong tám môn thể thao xuất hiện ở kỳ Paralympic đầu tiên diễn ra năm 1960 tại Roma, Ý. Trong các kỳ Thế vận hội dành cho người khuyết tất đầu tiên, Mỹ và Israel là hai quốc gia chiếm ưu thế nhất.
Tuyển nam Hoa Kỳ chỉ đánh rơi một HCV Paralympic từ năm 1960 cho tới 1976. Nội dung của nữ ra đời vào năm 1968 tại Đại hội ở Tel Aviv, và đội chủ nhà Israel giành tấm HCV đầu tiên.
Đồng thời, các quốc gia châu Âu cũng đang đạt được những bước tiến đáng kể ở môn Bóng rổ trên xe lăn. Những giải đấu tầm cỡ châu lục đã cho họ cơ hội để nâng cao kỹ năng cũng như khả năng cạnh tranh ở cấp độ thế giới.
Tuyển nam Hà Lan đã hạ gục ĐKVĐ Mỹ ở trận bán kết của Paralympic Arnhem 1980 và giành tấm huy chương Bạc trên sân nhà. 12 năm sau đó, họ đổi màu huy chương tại Barcelona.
Pháp nổi lên như một thế lực của Bóng rổ xe lăn thế giới khi giành chiến thắng trong trận chung kết toàn châu Âu với Hà Lan vào năm 1984. Trước khi nếm trải vinh quang vào năm 92, Hà Lan thêm một lần nữa thua trận chung kết khi gặp Mỹ ở Seoul 88. Kể từ đó, Mỹ bước lên bục huy chương thêm 4 lần trong 7 kỳ Paralympic, nhưng chỉ có 1 HCV và 3 HCĐ.
Gần đây, Canada từng bước trở thành cường quốc Bóng rổ xe lăn. Kể từ Barcelona năm 1992, họ luôn giành được ít nhất một huy chương vàng nam hoặc nữ ở các kỳ Đại hội, ngoại trừ Bắc Kinh 2008 và Rio 2016. Họ cũng trở thành quốc gia đầu tiên giành 3 HCV liên tiếp với các chiến thắng của tuyển nữ vào các năm 1992, 1996 và 2000.
Australia đã giành huy chương tại mọi kỳ Paralympic kể từ Atlanta 1996 cho tới London 2012, tổng cộng giành 8 huy chương cho cả hai nội dung nam và nữ, trong đó có 2 huy chương Vàng.