Cầu thủ NBA phải chạy bao nhiêu km trong một trận đấu, điều đó có tác dụng gì?
Với bóng rổ các cầu thủ gần như không được phép đứng yên, diễn biến trận đấu yêu cầu họ phải di chuyển liên tục ở 2 đầu sân để ghi điểm cũng như phòng ngự.
Tại NBA thử thách còn khắc nghiệt hơn với 12 phút mỗi hiệp, nhiều hơn 2 phút so với quy định của FIBA. Trong một giải đấu tụ hội những ngôi sao bóng rổ hàng đầu thế giới, nếu muốn thành công các cầu thủ luôn phải tiến về phía trước.
Vậy có bao giờ bạn tự hỏi một cầu thủ NBA chạy trung bình bao nhiêu km trong một trận đấu? Mặc dù các số liệu thống kê có sai số nhất định, tuy nhiên có thể khẳng định bóng rổ là môn thể thao tập thể phải di chuyển nhiều hàng đầu.
Theo các chuyên trang thống kê, một cầu thủ bóng đá chạy trung bình 11,2 km/trận, bỏ rất xa các môn thể thao khác. Ví dụ một cầu thủ bóng chày MLB chỉ chạy khoảng 0,06 km/trận, bóng bầu dục NFL là 2 km/trận, tennis là 4,8 km/trận.
Đối với NBA, giải đấu đã cho lắp đặt hệ thống đo lường quãng đường chạy từ cách đây 10 năm. Hệ thống này có tên SportVU, bao gồm 6 camera chạy dọc hai bên sân để thống kê những dữ liệu quan trọng của các cầu thủ trong đó có quãng đường chạy.
Hệ thống này đưa ra con số trung bình một cầu thủ NBA chạy là 4,64 km/trận. Năm 2014, Jimmy Butler được ghi nhận là một trong những trường hợp chạy nhiều nhất trong một trận đấu tại NBA với quãng đường dài hơn 5 km.
Trong số những cầu thủ chạy nhiều nhất NBA những năm gần đây, ngôi sao của Miami Heat cũng thường xuyên xuất hiện trong top 4, cùng với Stephen Curry, Zach Lavine và CJ McCollum. Tuy nhiên việc thống kê quãng đường chạy rốt cuộc có lợi ích gì?
Đương nhiên nó mang tới những đóng góp quan trọng cho các HLV, nhất là khi họ muốn các cầu thủ quan trọng nghỉ dưỡng sức - Load Management. Ví dụ trường hợp của những ngôi sao như Kawhi Leonard, trong các trận đấu tại Regular Season rất hiếm khi người ta chứng kiến anh chạy quá 4km/trận, tất cả nhằm đảm bảo The Klaw không bị quá sức.
Ngoài ra việc kiểm soát quãng đường di chuyển cũng có đóng góp vô cùng quan trọng trong quá trình phục hồi chấn thương của các cầu thủ. Những VĐV trở lại sau chấn thương sẽ làm quen với quãng đường di chuyển tăng dần để tránh quá tải.
Giả sử với một cầu thủ vừa trải qua chấn thương rất nặng như Kevin Durant, việc anh thi đấu bao nhiêu phút không quan trọng bằng chạy bao nhiêu km? Rõ ràng gót chân của KD cần được làm quen với quãng đường di chuyển tăng dần.
Ngoài yếu tố may mắn, việc áp dụng kỹ thuật và thống kê đã mang lại hiệu quả rất ấn tượng cho Kevin Durant, bằng chứng là anh đang thi đấu rất thăng hoa dù vừa trải qua nỗi ám ảnh chấn thương tồi tệ.