Hồ sơ thể thao: Tokyo 1940 biến thành "Olympic ma" như thế nào?
Tokyo 1940 là một kỳ Olympic "ma" nổi tiếng trong lịch sử. Càng đặc biệt khi Tokyo 1940 dẫn dắt mọi người đi lòng vòng khắp thế giới rồi biến mất! Tất cả bắt đầu từ việc quân đội Nhật xâm lược châu Á, buộc IOC phải dời Olympic sang Helsinki (Phần Lan). Nhưng rốt cuộc, Olympic 1940 vẫn không thể xảy ra do bùng nổ Thế chiến II.
Trong cuốn sách viết về Olympic với tựa đề "The Games", tác giải David Goldblatt cho biết ban đầu, các quan chức thể thao Nhật ra tranh quyền đăng cai Thế vận hội 1940 với mục tiêu giới thiệu thành phố này đã hồi phục tốt như thế nào từ sau cơn động đất năm 1923.
Ý tưởng này có phần trùng khớp với chiến dịch đăng cai Olympic 2020 của Tokyo, khi ví von đây là "Thế vận hội phục hồi" ngụ ý rằng thủ đô Nhật đã trở lại bình thường sau thảm họa "3 trong 1" năm 2011 liên quan đến động đất, sóng thần và hạt nhân.
Jigoro Kano - người sáng lập judo hiện đại và thành viên người Nhật đầu tiên tại IOC - còn góp phần giúp Tokyo thắng cuộc bằng cách chỉ rõ tầm quan trọng của việc đưa Olympic đến châu Á lần đầu tiên trong lịch sử.
Năm 1940 là thời điểm người Nhật càng quyết tâm tổ chức Olympic, vì trùng với 2.600 năm kể từ lúc Thiên hoàng đầu tiên là Jimmu lập quốc.
Trong cuộc bỏ phiếu năm 1932, Tokyo đối đầu với Rome và Helsinki. Để cầm chắc chiến thắng, Nhật nhờ Ý của nhà độc tài phát xít Benito Mussolini giúp đỡ.
Goldblatt ghi nhận: "Trong vụ giao dịch có qua có lại nay đã trở thành thường thấy ở thể thao quốc tế, Mussolini đã tuyên bố: "Chúng tôi từ bỏ quyền đăng cai năm 1940 để ủng hộ Nhật, nếu Nhật ủng hộ Ý giành quyền tổ chức Olympic thứ 13 cho Rome năm 1944"."
Trong cuộc đua song mã cuối cùng, Tokyo được 37 phiếu, Helsinki 26 phiếu.
Điều oái oăm là ngay từ trước lúc xin đăng cai Olympic 1940, Nhật đã xâm chiếm Mãn Châu của Trung Quốc vào năm 1931.
Hai năm sau đó, Nhật rút khỏi Liên minh các quốc gia - tiền thân của Liên Hợp Quốc - do tổ chức này không tán thành việc chiếm đóng.
Vì vậy, Nhật xin đăng cai Olympic 1940 phần nào còn được xem như nỗ lực nhằm củng cố các mối quan hệ ngoại giao quốc tế với các nước phương Tây, nhất là Anh và Mỹ.
Quá trình chuẩn bị cho Olympic 1940 đầy khí thế, lịch đấu được soạn thảo và áp phích được in ấn nhanh chóng. Lễ khai mạc sớm được ấn định ngày 21/9/1940.
Mặc dù vậy, công tác tổ chức vẫn có vài trục trặc như Hoàng đế có thể tuyên bố khai mạc Thế vận hội hay không, khi người Nhật xem ngài như bán thần nên dân thường không thể nhìn hoặc nghe thấy.
Thế nhưng, rắc rối lớn nhất vẫn là việc giới quân sự yêu cầu dành mọi kinh phí cho chiến tranh. Thoạt đầu, các nhà ngoại giao Nhật chỉ cảnh báo động thái này có thể ảnh hưởng tới chất lượng Olympic do các cường quốc thể thao như Mỹ và Anh có thể tẩy chay Thế vận hội nhằm phản đối nước chủ nhà hiếu chiến.
Trong giai đoạn đó, Tòa thị chính Tokyo vẫn một mực cam kết với IOC: "Các công dân Tokyo đang nỗ lực hết mình để Olympic 1940 thành công."
Nhưng dù hết sức chống chế, Ủy ban Olympic Nhật rốt cuộc đành đầu hàng trước sự thật rằng quân đội nước này đang tận thu tất cả cho chiến tranh, nên vào tháng 7/1938, họ phải tuyên bố cái gọi là "rắc rối với Trung Quốc" khiến Tokyo không thể tổ chức Olympic.
Với giới quan sát thời đó, Tokyo 1940 trở thành Olympic "ma" chẳng có gì đáng ngạc nhiên trong bối cảnh các mối quan hệ ngoại giao quốc tế của Nhật ngày càng tồi tệ, trong lúc các hoạt động quân sự của họ tại châu Á ngày càng tăng.
Cũng vì vậy, Olympic mùa đông dự kiến ở Sapporo, thành phố phía Bắc của Nhật chuyển sang cho Helsinki (Phần Lan) rồi bị hủy luôn do Thế chiến II.