Ống suy ngẫm: Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong
Theo hệ thống của nhà tâm lý học nổi tiếng người Đức Ernst Kreschmer, hình dạng cơ thể con người được chia làm 3 loại cơ bản: Cơ bắp, gầy và béo.
Kreschmer tin rằng mỗi hình dáng cơ thể có liên quan chặt chẽ đến một loại tính cách: Cơ bắp là người quyết đoán; gầy thì nhút nhát và sống hướng nội; người béo tính tình vui vẻ và hướng ngoại. Tất nhiên hệ thống phân loại của Kreschmer không có yếu tố khoa học, và nó không hoàn toàn chuẩn xác. Tôi chỉ đưa ra như một tiên đề, rằng các vận động viên thể thao hẳn sẽ là người cơ bắp, và họ có hình dạng cơ thể mạnh mẽ theo từng môn thể thao. Ví dụ môn bóng đá Mỹ hay theo cách gọi phổ thông là bầu dục, các cầu thủ người phải dày; trong khi cầu thủ bóng rổ tay dài và hơi lệch chuẩn, tức là không nhất thiết bụng 6 múi, cơ bắp cuồn cuộn.
Một trong những điều thú vị của bóng đá so nhiều môn thể thao khác, đó là sự đa dạng về hình thể.
Một trung vệ sẽ trông như Rio Ferdinand hay Fabio Cannavaro? Một tiền đạo sẽ nhỏ con như Micheal Owen hay cao to lực lưỡng như Zlatan Ibrahimovic? Tiền vệ nguyên mẫu là Luka Modric hay Socrates? Thủ môn có xu hướng dễ dự đoán hình dạng cơ thể hơn, nhưng Iker Casillas (1m85) hay cựu thủ thành Jorge Campos trước kia nổi tiếng với phong cách ăn mặc lòe loẹt (1m70) lại đi ngược lý thuyết.
Nói cách khác, không có quy chuẩn đối với hình thể cầu thủ bóng đá. Nếu nhìn một người dáng chạy hơi lạch bạch như con vịt với hai bàn chân hình chữ V, rất ít người tin người đó có thể đá bóng giỏi. Vậy mà có đấy!
Robert Pires, cựu tuyển thủ Pháp, khi được hỏi vì sao đặt tên cuốn tự truyện là Le Canard (Chú vịt) đã giải thích vì 2 bàn chân chõe ra khiến anh đi và chạy như con vịt. Biệt danh này gắn với Pires kể từ khi các đồng đội nhìn và nghe thấy cựu HLV ĐT Pháp Aime Jacquet gọi anh là “10 giờ”.
Trên lý thuyết, người có đôi chân như của vịt sẽ khó chạy nhanh, nhưng Pires ngược lại và anh tiết lộ chính hình dáng đôi bàn chân giúp anh ghi rất nhiều bàn thắng bằng má trong chân phải.
Raheem Sterling cũng có dáng chạy không mấy “bắt mắt”. Nếu để ý sẽ thấy cầu thủ trẻ người Anh chạy theo kiểu “ngực đi trước, mông mải miết theo sau” và không có trọng tâm thấp – yếu tố cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ vận động viên thể thao nào. Cách chạy của Sterling lý giải một phần vì sao kỹ năng dứt điểm của cầu thủ này chưa tốt, lực sút bóng cũng chưa đủ mạnh. Một nhược điểm khác của Sterling là hình thể không tốt: người mỏng và không cao.
Nhưng Man City không điên tới mức bỏ ra gần 50 triệu bảng cho một cầu thủ không có tiềm năng; và Soccerex mới đây cũng định giá Sterling có giá trị 35,5 triệu bảng qua tiêu chí tuổi đời, vị trí chơi, CLB hiện tại, thời hạn của hợp đồng cũng như nhận thức giá trị của thị trường, số lần khoác áo ĐTQG, những chấn thương, bàn thắng…
Không thể nói trước về một con người qua hình dáng, đặc biệt là một cậu trai mới đôi mươi.
Q. NGUYÊN