Thể thao thế giới và đặc biệt các nước Đông Nam Á đang triển khai tiêm cho các HLV, VĐV thế nào?
Trong số các nước đang triển khai tiêm vaccine chống COVID-19 cho HLV và VĐV, những nền thể thao hàng đầu khu vực Đông Nam Á tỏ ra rất quan tâm tới việc bảo vệ sức khỏe cho các tuyển thủ, không chỉ riêng Việt Nam.
Bắt đầu tiêm cho các tuyển thủ Indonesia vào cuối tháng 2/2021, Phó Tổng thống Ma'ruf Amin cho biết các VĐV thuộc nhóm ưu tiên, đặc biệt là những người sắp thi đấu trong nước và quốc tế. "Họ cần phải có sức khỏe. Đừng để họ không được dự các giải đấu chỉ vì nhiễm COVID-19," ông Amin tuyên bố.
Bộ trưởng Thanh Niên và Thể Thao là Zainudin Amali giải thích rõ hơn khi xác định đối tượng ưu tiên là những tuyển thủ sắp dự các giải như Olympic. Giai đoạn đầu tiêm cho 5000 VĐV, giai đoạn 2 tiêm cho 7.000 VĐV khác.
Tại Malaysia, Bộ trưởng Thanh Niên và Thể Thao (KBS) Datuk Seri Reezal Merican Naina Merican đã sớm gửi danh sách 4000 VĐV và quan chức được ưu tiên tiêm vaccine để đại diện đất nước đi thi đấu quốc tế.
Bộ trưởng KBS cho biết: "Giai đoạn đầu sẽ tiêm cho các VĐV và quan chức tham dự những giải thế giới như Olympic (23/7-8/8), SEA Games (21/11-2/12) và Asian Games (10-25/9/2022)."
Bên Thái Lan, Thống đốc Bộ Thể thao (SAT) là Tiến sĩ Kong Sakyod Yodmanee xác định có 5 nhóm ưu tiên tiêm COVID-19. Nhóm đầu được tiêm từ tháng 3-4 là những thành viên dự vòng loại Olympic và Paralympic tại Tokyo 2020, nhóm 2 là nhóm dự Olympic Tokyo 2020 và Paralympic.
Tháng 7 đến tháng 9 tiêm cho nhóm 3 là thành phần dự SEA Games 31. Nhóm 4 là những tuyển thủ dự Olympic Mùa đông 2022. Nhóm 5 là những người dự Đại hội thể thao trong nhà và Võ thuật Châu Á, hoặc Đại hội thể thao bãi biển Châu Á.
Thống đốc Bộ Thể thao nói rằng tổng số nhân viên và tất cả 5 nhóm VĐV sẽ được tiêm chủng là khoảng 5.800 người, hoặc có thể ít hơn.
Về phía Singapore, Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên là Edwin Tong khẳng định tiêm cho mọi VĐV trước khi ra nước ngoài tham dự vòng loại Olympic Tokyo 2020, ví dụ như những xạ thủ bắn súng Adele Tan, Tessa Neo và Ho Xiu Yi dự World Cup.
Tích cực tiêm cho các HLV và VĐV thể thao chuẩn bị thi đấu quốc tế còn có Lithuania, Hungary, Serbia, Mexico và Israel...
Các VĐV Cuba thuộc nhóm Soberana 02 ưu tiên tiêm COVID-19. Đội ngũ này bao gồm các võ sĩ quyền Anh như Julio César La Cruz giành HCV boxing cho Cuba ở hạng cân 81kg tại Rio 2016, vật và các kỹ thuật viên, HLV chuẩn bị tranh tài ở Olympic và các giải VĐTG.
Bộ trưởng Thể Thao Nga Oleg Matytsin cũng ưu tiên tiêm cho các VĐV sắp dự Olympic và Paralympic, ngay cả khi họ không được đại diện cho quê hương mà phải thi đấu theo diện tự do.
"Các VĐV và HLV thi đấu tự do đều được tiêm. Bởi họ đang trong giai đoạn tập luyện và trầm cảm. Điều quan trọng nhất trong chủ trương này là "không gây hại" cho họ." - Matytsin thông báo.
Trường hợp của Nhật - chủ nhà Olympic Tokyo 2020 lại khá đặc biệt. BTC Tokyo 2020 đã từ chối sử dụng vaccaine do Trung Quốc sản xuất mà IOC gửi đến.
Bộ trưởng Olympic Tamayo Marukawa cho biết Nhật có những giải pháp đảm bảo tổ chức Olympic thành công mà không buộc tiêm vaccine. Vì dân Nhật không bị ép tiêm nên hiện nay, số dân nước này được tiêm chỉ ở mức khoảng 1%.
Mỹ quyết định cho mọi tuyển thủ tiêm vaccine, không chỉ để thi đấu quốc tế, nhưng không ưu tiên. Tuy nhiên, phản ứng của giới VĐV và HLV tại Mỹ không thống nhất. Có người sẵn sàng tiêm, có người từ chối, có người lưỡng lự chờ xem tình hình xung quanh.
Một số nước như Đức, Pháp, Canada, Anh và Ý cũng không xếp VĐV dự Olympic vào nhóm ưu tiên tiêm chủng, dù đều hy vọng có đủ vaccine cho Tokyo 2020. Úc cũng không ưu tiên cho VĐV tiêm chủng. Ngược lại, các ngôi sao thể thao hàng đầu của Úc cũng tỏ ý không muốn được ưu tiên đó.
Trong khi đó, IOC luôn khẳng định các VĐV dự Olympic không phải đối tượng cần vaccine nhất và cũng không buộc các VĐV dự Tokyo 2020 đều phải được tiêm chủng COVID-19.