Từ cô bé nhặt bóng mồ côi cha tới tuyển thủ trẻ nhất đoàn thể thao VN dự SEA Games 30
Sinh năm 2004 tại Bình Dương, mới 2 tuổi, cô bé Trần Mai Ngọc cùng người em gái sinh đôi Trần Ngọc Ngà đã mồ côi cha. Gia cảnh lại càng khốn khó khi chỉ trông chờ vào khoản thu nhập công nhân may bèo bọt của mẹ. Ngoài một buổi đi học văn hóa, chị em Ngọc được mẹ cho đi học bóng bàn, nhưng nói là "học" chứ chủ yếu là nhặt bóng cho các anh chị.
Như một cái duyên định mệnh, chính từ lần nhặt bóng tại một giải phong trào, Ngọc và Ngà đã được các thầy của CLB T&T cảm thương, quyết định nhận vào đội. Hai chị em háo hức được ra Hà Nội, mê mải xem các anh chị tập bóng bàn, nhất là khi có mẹ đi cùng. Dù vậy, khi chia tay mẹ, hai chị em khóc hết nước mắt, nằng nặc đòi về.
->>> Vô địch SEA Games ở tuổi 14, Quang Liêm khiến Chủ tịch Liên đoàn Cờ Philippines từ chức
Những năm đầu, mỗi năm Ngọc và Ngà chỉ được về Bình Dương một lần vào dịp Tết. Năm nào cũng vậy, sau khi được nghỉ Tết 2-3 tuần, hai bé lại không chịu ra Hà Nội. Cho dù cả hai tập luyện rất tốt, sớm bộc lộ năng khiếu song suốt một thời gian dài, các thầy và các bạn đã quen với cảnh hai chị em buồn rầu, khóc lóc sau mỗi buổi tập.
Nhưng rồi mọi trở ngại cũng dần trôi qua, khi Ngọc cùng em gái lớn dần, ngày càng đam mê và có những bước tiến vượt bậc về chuyên môn. Cả hai chị em, nhất là Mai Ngọc, đã sớm nổi lên như những tài năng trẻ của bóng bàn Việt Nam, qua những chiến thắng thuyết phục tại các giải trẻ.
Để rồi, chính Mai Ngọc đã vụt biến thành một hiện tượng độc nhất vô nhị tại giải vô địch bóng bàn quốc gia 2019, cuộc đấu mà vào giờ chót cô bé 15 tuổi mới được giao vai “kép chính” thay thế cho “đàn chị” Nguyễn Thị Nga vắng mặt.
Như chia sẻ của HLV trưởng Vũ Mạnh Cường, dù tin tưởng cô học trò nhỏ “có thể làm được gì đó” song hành trình cùng màn trình diễn mà gương mặt lạ 15 tuổi này đã tạo ra thực sự “vượt xa kỳ vọng”. Ngọc đã góp công lớn giúp đội bóng Thủ đô đoạt tấm HCB đồng đội nữ, là chủ lực cùng Phạm Thị Thu Hương đứng thứ nhì đôi nữ, và tỏa sáng bằng sự xuất sắc khó tin với ngôi Á quân đơn nữ, nội dung kết đọng tất cả.
Trong đó, bước ngoặt đối với cô bé đang tuổi ăn tuổi lớn quê Bình Dương là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, hạ gục nhà đương kim Á quân Diệu Khánh với tỷ số 4-2 ngay ở vòng 32. Chiến thắng ấy đã mang tới cho Ngọc một sự tự tin và tinh thần quyết thắng cao độ, để rồi tiếp tục vượt qua các “đàn chị”, thậm chí “đàn cô” như Nguyễn Thảo Nguyên, Vũ Thị Hà, Nguyễn Bạch Thanh Thư theo các cách khác nhau, giành quyền vào chơi trận chung kết.
Điều đáng nể, tất cả các trận thắng của Ngọc, kể cả trước các đối thủ được đánh giá cao hơn nhiều, tưởng như bất ngờ nhưng thực tế đều rất thuyết phục và xứng đáng, mà ở đó tay vợt trẻ măng luôn thể hiện được ý đồ chiến thuật, lối chơi biến hóa cùng bản lĩnh thi đấu hiếm có.
Ngay cả trận chung kết trước đối thủ quá lớn Mai Hoàng Mỹ Trang, tuy không thể làm nên đột biến, Mai Ngọc vẫn cho thấy tinh thần chiến đấu, cùng những pha tấn công ghi điểm, trả bóng phản công chất lượng và có nét riêng.
Cũng giống như “tượng đài” Nhan Vị Quân của 31 năm trước, một “sao mai” thực thụ Mai Ngọc tuổi 15, đã phát lộ. Phong độ chói sáng giúp Mai Ngọc được đặc cách triệu tập vào đội tuyển bóng bàn Việt Nam và giờ “bay” thẳng tới SEA Games 30 với tư cách tuyển thủ trẻ nhất của đoàn thể thao Việt Nam.
Và trong kỳ SEA Games đầu đời, tuyển thủ 15 tuổi chỉ đặt ra cho mình mục tiêu “ vượt lên chính mình trước khi nghĩ đến chuyện làm được gì đó”. Tuy nhiên, các thầy đang kỳ vọng Mai Ngọc sẽ là một “nhân tố bí ẩn” có thể mang tới những bất ngờ đáng kể cho đội nữ bóng bàn Việt Nam, không chỉ ở SEA Games này mà còn cả chặng đường dài trước mắt.