Vì sao Olympic trao huy chương Vàng, Bạc, Đồng?
Tại Oympic Tokyo, không thiếu câu chuyện về việc người Nhật đã tận dụng chất thải để tạo huy chương như thế nào. Vấn đề đặt ra ở đây là Olympic có phải lúc nào cũng trao HCV, HCB và HCĐ cho người chiến thắng hay không.
Thật ra, những chiếc huy chương không đồng hành với Olympic từ lúc đầu. Ở Olympic cổ đại, người chiến thắng được trao cho vòng ô-liu để tôn vinh thầy Zeus của Hy Lạp.
Những chiếc huy chương chỉ được trao bắt đầu từ Olympic hiện đại năm 1896 ở Athens, Hy Lạp. Nhưng lúc đó chưa có HCV. Người xếp thứ nhất được tặng HCB và cành ô-liu. Người xếp thứ 2 nhận huy chương bằng đồng đỏ. Người xếp thứ 3 nhận huy chương bằng đồng thiếc.
Sau đó 4 năm tại Olympic 1900, những VĐV xếp nhất nhận Cúp và giải thưởng. Truyền thống này còn lưu giữ ở một số môn như các giải tennis. Vào lúc đó, phần thưởng như thế nào tùy thuộc vào nước tổ chức quyết định.
Phải đến Olympic 1904 tại Mỹ, các VĐV mới được nhận HCV, HCB và HCĐ như hiện nay. Tại Olympic tổ chức ở St. Louis năm đó, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cũng trao lại HCV, HCB và HCĐ cho những VĐV Top 3 của các kỳ Olympic 1896 và 1900.
Cũng chính IOC trở thành nơi quản lý và tiêu chuẩn hóa giải thưởng ở mọi kỳ Olympic với quy định cụ thể về kích thương tối thiểu và thành phần chứa trong mỗi huy chương.
Và có điều mà đa số người hâm mộ không biết: Số phần thưởng được trao cho VĐV tại Olympic không chỉ có HCV, HCB và HCĐ. Mọi VĐV trong Top 8 đều có tấm bằng chứng nhận của Olympic. Mỗi VĐV tham dự Olympic đều có kỷ niệm chương và tấm bằng xác nhận việc góp mặt.
Trở lại với các huy chương, chúng có giá trị về tinh thần nhiều hơn là vật chất. Ví dụ: HCV không có nghĩa 100% bằng vàng. Bởi lẽ, làm vậy thì chi phí quá cao.
Đến đây, có lẽ sẽ có người tự hỏi: Tại sao huy chương lại theo thứ tự Vàng, Bạc, Đồng mà không phải thứ khác? Để trả lời câu hỏi này thì có lẽ cần phải "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý", hiểu được cả thiên văn học, địa chất và hóa học.
Ngắn gọn là thiên hà của chúng ta hình thành cách nay hàng tỷ năm do một ngôi sao phát nổ, các nguyên tố của nó tạo nên hệ mặt trời bao gồm Trái đất. Trên Trái đất, các nguyên tố nhẹ hơn có số lượng nhiều hơn những nguyên tố nặng hơn.
Nhìn vào bảng tuần hoàn hóa học, các nguyên tố được sắp xếp theo quy luật nhẹ hơn đặt ở phía trên cùng và nặng hơn thì nằm phía dưới. Trật tự này cũng tương ứng với mức độ phong phú của mỗi loại nguyên tố: Các nguyên tố phong phú hơn nằm ở phía trên và các nguyên tố hiếm hơn nằm ở phía dưới.
Đồng (Cu), bạc (Ag), vàng (Au) thuộc nhóm đồng là nhóm nguyên tố 11. Các kim loại trong nhóm này có tính không gỉ, độ dẫn điện của chúng cao nên thường là chất đúc tiền kim loại, làm đồ trang sức hay dây dẫn điện... Do đó, chúng được chọn để tạo ra huy chương.
Đồng nằm trên cùng nhóm 11, nghĩa là nhiều nhất và cũng ít giá trị nhất, nên dành cho người xếp thứ 3. Bạc nằm dưới đồng, nghĩa là quý hơn, nên dành cho người xếp thứ 2. Vàng nằm dưới bạc, nghĩa là càng quý, nên dành cho người vô địch.