Thành công của Bồ Đào Nha đến từ sự đa dạng nhân tố X
Thành công của đội tuyển Bồ Đào Nha tại EURO 2016 dĩ nhiên không chỉ nằm ở Cristiano Ronaldo. Họ có trong tay nhiều nhân tố quan trọng khác để tạo ra khác biệt.
HLV Fernando Santos đã sử dụng 21 trong tổng số 23 cầu thủ tại EURO 2016, trừ hai thủ môn dự bị. Điều này có nghĩa nhà cầm quân của Seleccao muốn khai thác tối đa nguồn lực có trong tay mình.
Trên thực tế, với khả năng xoay vòng hợp lý, HLV Santos đã giúp Bồ Đào Nha duy trì nguồn thể lực sung mãn cho đến khi kết thúc giải đấu.
Sau vòng đấu bảng, Bồ Đào Nha có tới 3 trận phải đá thêm hiệp phụ, gồm một trận trải qua màn “đấu súng” trên chấm 11 mét. Như vậy, đội quân màu bã trầu thi đấu tổng cộng 720 phút, nhiều hơn bất kỳ đội tuyển nào khác.
Điều đáng chú ý, ngoài thủ môn Rui Patricio chơi trọn vẹn số thời gian, chỉ có Cristiano Ronaldo (do chấn thương) hiện diện 625 phút, Nani 706 phút, Pepe 630 phút (do chấn thương) là góp mặt trên sân nhiều hơn cả. Còn lại không ai khác chơi quá 570 phút.
Cũng vì dành nhiều cơ hội cho các cầu thủ trên ghế dự bị mà HLV Santos đã tìm kiếm được những “nhân tố bí ẩn” của mình.
Ronaldo khép lại EURO 2016 bằng 3 bàn thắng và 3 pha kiến tạo, xứng đáng được coi là thủ lĩnh của đội bóng.
Tuy nhiên, thực tế thì khi ngôi sao này không tỏa sáng, Bồ Đào Nha vẫn biết cách giải quyết tình thế ổn thỏa. Ngoài Nani đóng góp 3 bàn khác thì 3 pha lập công còn lại của Seleccao có ý nghĩa vô cùng quan trọng mang tính quyết định tới kết quả chung cuộc.
Ba trong 9 bàn thắng tại giải của Bồ Đào Nha được thực hiện nhờ công các cầu thủ vào thay người hoặc chỉ đóng vai dự bị khi bước vào giải.
Cụ thể, Ricardo Quaresma sau khi thế chỗ Joao Mario đã chọc thủng lưới Croatia ở cuối hiệp phụ vòng 1/8; Renato Sanches ngay trận đầu tiên đá chính lập tức ghi bàn gỡ hòa trước Ba Lan ở tứ kết; Eder chỉ cần 20 phút sau khi rời ghế dự bị để trở thành người hùng với bàn quyết định mang về chức vô địch ở trận chung kết.
Rõ ràng, Bồ Đào Nha tỏ ra rất lợi hại với những nhân tố trên ghế dự bị mà HLV Santos đã biến sự tầm thường trở thành thứ vũ khí bí mật khiến đối phương không kịp đối phó.
Điều đáng nói, tất cả họ đều lên tiếng vào đúng thời điểm mà Ronaldo gặp khó khăn hoặc vắng mặt trên sân.
Santos đã sử dụng Quaresma và Eder như những quân bài tẩy trên ghế dự bị cho hàng công. Ông cũng biến cậu bé mới 18 tuổi Renato Sanches từ chỗ đến EURO 2016 để học hỏi kinh nghiệm trở thành sự lựa chọn số một trên hàng tiền vệ.
Khi Pepe chấn thương, việc thay thế cho vị trí trung vệ cũng được giải quyết ổn thỏa. Đấy chính là thành quả đáng ghi nhận cho tài thao lược của Santos.
Để đăng quang tại Stade de France, Bồ Đào Nha hẳn không thể thiếu một chốt chặn đáng tin cậy như Rui Patricio. Ở màn đụng độ đội tuyển Pháp, thủ môn 28 tuổi này đã thực hiện 7 pha cứu thua, điều đã không xảy ra với bất kỳ “người gác đền” nào trong một trận chung kết EURO kể từ năm 1980 đến nay.
Rui Patricio còn được nhắc đến ở vòng tứ kết trong vai người hùng khi cản phá thành công quả penalty quyết định của Jakub Błaszczykowski khi đá luân lưu với Ba Lan. Cũng ít ai quên rằng, thủ môn của Sporting Lisbon đã làm nản lòng các chân sút Croatia ở vòng 1/8 như thế nào.
Từ Rui Patricio, Renato Sanches cho đến Quaresma hay Eder, Bồ Đào Nha không thiếu nhân tố “lạ” để tạo nên sự độc đáo và bất ngờ trong thành công của mình.