Bóng đá tấn công "khó sống" ở EURO 2016
Ngược dòng thời gian thì trong 20 năm đầu, chỉ có 4 nước tranh tài ở mỗi kỳ EURO. Con số này tăng lên thành 8 vào năm 1980, 16 vào năm 1996 và lần đầu tiên là 24 đội tại EURO 2016.
Không phủ nhận là ở bất cứ giải nào cũng có những bất ngờ do các đội bóng yếu tạo ra nhưng phải thừa nhận là việc UEFA mở rộng quy mô giải sẽ chỉ khuyến khích bóng đá phòng ngự nhiều hơn, đặc biệt ở vòng bảng.
Nói thế bởi các đội bóng kém nhận ra là họ không thể chơi một thứ bóng đá tấn công đầy sức mạnh nhưng nếu chơi phòng ngự, họ có cơ hội tạo ra được nhiều bất ngờ hơn. Hay nói cách khác, những trận đấu mở luôn dành cho những đội bóng mạnh. Còn phòng ngự sâu và phòng ngự phản công sẽ phù hợp cho những kẻ ngoài rìa, nếu không muốn nói họ sẽ được tiếp thêm cảm hứng từ chức vô địch Premier League của Leicester.
Để thấy rõ hơn thì ở bảng A của EURO 2016, những đội như Albania và Romania đều là những đội chơi phòng ngự. Albania không để lọt lưới một bàn nào trên sân khách tại vòng loại và tin được không khi đội bóng của Gianni de Biasi, HLV người Italia, chỉ có vỏn vẹn 7 bàn thắng, trong đó có 5 bàn vào lưới Armenia.
Còn Romania ghi vỏn vẹn 11 bàn thắng và có 8 trận đấu giữ sạch lưới. Dĩ nhiên, chẳng ai có thể đổ lỗi cho Anghel Iordanescu nếu ông thích phòng ngự vì hàng công của Romania đâu có ra gì. Thế nên, sẽ không ngạc nhiên nếu Albania và Romania chơi phòng ngự trước Thụy Sĩ và Pháp ở trận mở màn sắp tới.
Nhìn rộng ra, phần lớn các bảng đều có những đội bóng chơi phòng ngự. Tại bảng B là Nga và Wales, trong khi ở bảng C là Ukraine và Bắc Ireland. Còn ở bảng D và E trông có vẻ hấp dẫn hơn nhưng tại bảng F, đừng quên là Iceland và Hungary sẽ khó có thể chơi cống hiến hết mình.
Cũng như vậy nếu chúng ta nói đến Áo, CH Czech và Thổ Nhĩ Kỳ khi họ đều không có những tiền đạo giỏi.
Đó là chưa kể ghi bàn đang là vấn đề mà một số đội bóng mạnh gặp phải như Tây Ban Nha và Đức, đến mức họ sẵn sàng chơi với sơ đồ số 9 ảo. Tương tự như vậy là Bồ Đào Nha và Italia.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, phòng ngự sẽ được những đội bóng yếu ưu tiên nhiều hơn. Bên cạnh đó, thể thức thi đấu của giải 24 đội cũng là một trong số các lí do để họ quyết tâm giữ sạch lưới, khi 4 trong 6 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất sẽ được vào vòng knock-out. Nghĩa là họ có thể đi tiếp dù không thắng hay có hiệu số bàn thắng thua tốt hơn. Tính ra, 3 điểm từ 3 trận hòa hay 1 trận thắng và 2 trận thua có lẽ là đủ. Thậm chí là 2 điểm.
Sau cùng thì chúng ta phải chờ 24 đội còn 16 đội, rồi 8 đội, khi đó sức hấp dẫn của EURO 2016 mới được thể hiện rõ hơn. Nói ngắn gọn, việc chờ đợi giải đấu trở nên hấp dẫn sẽ lâu hơn giải có 16 đội hay 8 đội.