Iceland 2016 là bản sao của Hy Lạp 2004
12 năm trước, Pháp bị loại ở tứ kết EURO 2004 bởi một đội bóng ngựa ô sau đó đã lên ngôi vô địch của giải đấu là Hy Lạp.
Bây giờ, người Pháp lại phải đối mặt với một đội bóng như thế tại tứ kết EURO 2016. Liệu lần này, thầy trò HLV Didier Deschamp có đi vào "vết xe đổ"?
Quả thực, đội tuyển Iceland của Lars Lagerback có rất nhiều điểm tương đồng với đội tuyển Hy Lạp của Otto Rehhagel, ví như một số điểm được nêu dưới đây.
Ngựa ô của giải đấu
Iceland đang tạo ra một câu chuyện cổ tích trên đất Pháp khi lọt vào nhóm 8 đội mạnh nhất EURO 2016 ngay trong lần đầu tiên tham dự giải. Thầy trò HLV Lars Lagerback mới xuất sắc đánh bại một ứng cử viên vô địch là đội tuyển Anh để hiên ngang tiến vào vòng tứ kết gặp đội chủ nhà Pháp.
Câu chuyện của Hy Lạp cách đây 12 năm cũng tương tự vậy. Trước khi vô địch EURO 2004, đội bóng đến từ quê hương của các vị thần chưa từng vượt qua vòng bảng ở hai giải đấu lớn mà họ từng có vinh dự góp mặt là EURO 1980 và World Cup 1994.
Ấy vậy mà đội bóng bị đánh giá thấp nhất bảng A năm đó lại đánh bại cả đội chủ nhà Bồ Đào Nha ngay trong ngày khai mạc trước khi vượt mặt cả Tây Ban Nha và Nga để giành vé vào tứ kết.
Vị trí thấp trên BXH FIFA
Vị trí của đội tuyển Iceland trên bảng xếp hạng FIFA vào tháng 06/2016 là thứ 34, tức chỉ kém 4 bậc so với vị trí của đội tuyển Hy Lạp trước ngày lên đường tham dự EURO 2004 tại Bồ Đào Nha.
Như vậy, cả hai đội bóng này đều có vị trí thấp nhất trên bảng xếp hạng FIFA trong số 8 đội lọt vào tứ kết.
Ưu tiên "nội binh"
Độ tuổi trung bình của đội tuyển Hy Lạp năm 2004 và đội tuyển Iceland năm 2016 cùng là 27 tuổi.
Mặt khác, thành phần của hai đội bóng này cũng chủ yếu là các cầu thủ thi đấu tại giải VĐQG. Cụ thể, 2/3 cầu thủ trong đội hình Hy Lạp vô địch năm 2004 (15 người) khoác áo 3 đội truyền thống tại "Xứ sở của các vị thần" là Olympiakos, Panathinaikos và AEK Athens.
Chỉ có 1/3 cầu thủ còn lại được chơi bóng tại Champions League 2003/04. Trong đó, nổi bật nhất là tiền vệ Giorgos Karagounis đầu quân cho Inter Milan.
Iceland thì có ít cầu thủ được đá Cúp châu Âu hơn. Tính ra thì cả đội hình của họ cũng chỉ có 9 cầu thủ từng được trải qua cảm giác thi đấu tại Champions League. Con số này trong mùa giải vừa qua thậm chí chỉ là 3 người, bao gồm Alfred Finnbogason đá cho Olympiakos, Birkir Bjarnason khoác áo Basel và Kari Arnason đang đầu quân cho Malmo.
Lối chơi thực dụng, hiệu quả cao
Năm 2004, Hy Lạp lên đỉnh châu Âu nhờ lối chơi phòng ngự phản công vô cùng khó chịu. Khi đó, đội bóng của Otto Rehhagel chỉ để thủng lưới 4 bàn trong 6 trận, trong đó họ giữ sạch lưới ở cả 3 trận đấu loại trực tiếp. Tất cả đều là những chiến thắng 1-0 cực kỳ mong manh.
Năm nay, Iceland cũng đang trình diễn một lối chơi tương tự dưới thời HLV Lars Lagerback. Dù phải đối đầu với các đội bóng sở hữu hàng công mạnh như Bồ Đào Nha hay Anh, nhưng Iceland cũng mới chỉ phải nhận 4 bàn thua sau 4 trận đã đấu.
Không những thế, sự hiệu quả trong lối chơi của hai động bóng này còn được thể hiện ở chỗ dù họ cầm ít bóng hơn, sút ít hơn nhưng lại đạt hiệu quả cao hơn đối thủ.
Trận đấu khai mạc EURO 2004 là một ví dụ, dù chỉ kiểm soát bóng 37% nhưng Hy Lạp lại ghi được đến 2 bàn chỉ với 7 cú sút. Trong khi đó, Bồ Đào Nha dù sút gấp đôi đối thủ (15 lần), nhưng lại chỉ ghi được đúng 1 bàn, hiệu quả kém gấp gàn 5 lần đối thủ (6% so với 29%) .
Iceland năm cũng vậy. Tỷ lệ kiểm soát bóng của họ trong 3 trận vòng bảng chỉ là 35%. Con số này ở trận gặp tuyển Anh tại vòng 1/8 cũng chỉ được cải thiện một chút, 37%.
Tuy nhiên, hiệu quả trong những đợt tấn công của các Iceland thì không hề giảm sút. Ở vòng bảng, hiệu suất ghi bàn của đội bóng Bắc Âu là 20%. Đến vòng 1/8, con số này tăng lên 25%.
Đáng chú ý, Iceland ghi được 2 bàn chỉ sau 8 cú sút về phía khung thành đội tuyển Anh. Trong khi đó, Rooney và đồng đội lại cần đến 18 pha dứt điểm để ghi được 1 bàn, tức hiệu suất kém đến 5 lần đối thủ.
Số lượng cầu thủ thấp
Khi Hy Lạp đăng quang EURO 2004, cả đất nước này chỉ có 200.000 cầu thủ bóng đá trong tổng số 11 triệu dân. Như vậy, tỷ lệ cầu thủ trong dân số Hy Lạp khi đó là 1/55.
Đó là một con số chênh lệch so với tỷ lệ tương ứng ở Pháp là 1/31. Cụ thể, cả nước Pháp có 2,13 triệu cầu thủ trong tổng số 66 triệu dân vào năm 2004.
Bây giờ, tỷ lệ cầu thủ trong dân số Pháp đã giảm xuống 1/35 khi số lượng cầu thủ đăng ký chỉ là 1,8 triệu người trong 63 triệu dân.
Tuy nhiên, tỷ lệ trên của Pháp chưa thấm vào đâu nếu so sánh với đối thủ của họ trong trận tứ kết sắp tới là Iceland. Dù chỉ sở hữu dân số khiêm tốn là 323.002 người, nhưng Iceland vẫn có đến 21.508 cầu thủ bóng đá, đạt tỷ lệ 1 cầu thủ/15 người dân.