BMW và cuộc chiến hàng thật, hàng nhái
Tòa án sở hữu trí tuệ Trung Quốc mới đây đã đưa ra cáo buộc một công ty sử dụng thương hiệu " BMN " được lấy cảm hứng từ BMW.
Theo thời báo Thượng Hải cho biết: công ty bị cáo buộc là tập đoàn Deguo Baoma Group Holdings Limited được thành lập từ năm 2008 do ông Zhou Leqin đứng tên, cái tên khi dịch qua tiếng Trung sẽ là: " Công ty tập đoàn BMW Đức ", sau đó công ty này đã đăng kí thương hiệu BMN với logo giống hệt logo BMW chỉ thay chữ W bằng chữ N.
Đồng thời tập đoàn này cũng nhanh chóng bán thương hiệu cho một công ty thời trang Chuangjian để sử dụng nhãn hiệu này cho các sản phẩm phụ kiện như quần áo, túi xách, v.v....phân phối trong cùng hệ thống với công ty BMN.
Công ty thời trang và chủ sở hữu tập đoàn đang phải đối mặt với một bản án phạt trị giá 3 triệu nhân dân tệ ( khoảng 432.000 USD) trả cho BMW vì xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa của hãng. Tuy nhiên theo giới chuyên môn nhận xét thì số tiền này quá nhỏ so với những gì mà hai công ty này đã thu được trong thời gian qua.
Thị trường xe hơi toàn cầu đang vật lộn, cạnh tranh nhau nhằm tạo nên sự nổi bật trong thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, tuy nhiên sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương đã cho phép nhiều mẫu xe nhái xuất hiện trên thị trường có hình dáng giống với những mẫu xe của phương Tây.
Sau khi lặng lẽ chịu đựng sự hiện diện của các bản sao, một số hãng đã quyết định đứng lên kêu gọi chính phủ phải can thiệp để đảm bảo quyền lợi cho họ. Tập đoàn Jaguar-Land Rover vào năm 2014 đã phải kinh ngạc khi mẫu Landwind X7 xuất hiện vì nó giống chiếc Range Rover Evoque đến 90 %, tuy nhiên chính phủ đã bác bỏ khiếu nại này của hãng.
Chiến thắng này của BMW sẽ tạo tiền đề cho các hãng xe khác đứng lên lấy lại thương hiệu cho mình trước cơn bão hàng nhái đến từ Trung Quốc.